Mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn

TPHCM được xem là thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất cả nước; tuy nhiên, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm của thành phố chỉ đáp ứng được 20%-30%. Do vậy, để đảm bảo đủ nguồn thực phẩm an toàn cho người dân, thành phố đã chủ động liên kết các tỉnh, thành phố khác.

Kiểm soát chặt từ gốc

Mới đây, tại Cần Thơ, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT TP Cần Thơ về công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, Ban Quản lý ATTP TPHCM cũng đã ký kết với lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố có sản phẩm đưa về TPHCM tiêu thụ với số lượng lớn như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… nhằm xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh, thành phố về TPHCM tiêu thụ.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ thực phẩm an toàn từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác…) đến cơ sở chế biến, giết mổ, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Phân loại rau tại nguồn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trước khi đưa đi tiêu thụ tại thị trường TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phân loại rau tại nguồn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) trước khi đưa đi tiêu thụ tại thị trường TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, từ năm 2020, ban đã phối hợp Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thành lập cơ sở dữ liệu để thiết lập hệ thống quản lý “chuỗi thực phẩm an toàn”.

Đến nay, đã thiết lập được cơ sở dữ liệu của 1.833 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tươi sống tại 22 tỉnh, thành phố cung cấp vào TPHCM đạt các chứng nhận an toàn như: GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt), HACCP (phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn), ISO 22000 (tiêu chuẩn hóa quốc tế trong lĩnh vực ATTP), IFS (hiệu quả của doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống ATTP và quản lý chất lượng), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về ATTP), FSSC 22000 (tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hệ thống quản lý ATTP), VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu)…

Từ năm 2017 đến nay, Ban Quản lý đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 824 giấy chứng nhận cho 332 trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng đạt chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn” với sản lượng hơn 1 triệu tấn rau, thịt, thủy sản, hơn 2,2 tỷ quả trứng và 50,1 triệu lít nước mắm...

“Thông qua triển khai các chương trình, đề án đảm bảo ATTP phối hợp với sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã thiết lập hệ thống quản lý đối với các cơ sở đạt chứng nhận an toàn kinh doanh tại TPHCM, đặc biệt cung cấp vào bếp ăn trường học, khu chế xuất - khu công nghiệp, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống được quản lý”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan thông tin.

Nâng tầm giá trị nông sản

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết, hiện địa bàn có trên 528 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP, trong đó có 430 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản (139 cơ sở nông sản động vật, 291 cơ sở nông sản thực vật), 66 cơ sở sản xuất trong lĩnh vực thủy sản, 5 cơ sở sản xuất chế biến muối, 5 kho lạnh bảo quản thực phẩm và 22 cơ sở chuyên doanh.

Mặc dù tiềm năng về nông, lâm, thủy sản của TP Cần Thơ còn rất lớn, tuy nhiên sản lượng giao thương giữa TP Cần Thơ và TPHCM còn khá khiêm tốn. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn ít.

“Hiện Sở NN-PTNT đã đề nghị các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn phối hợp, liên kết bà con nông dân, hình thành các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn lớn, vùng nguyên liệu lớn, tăng cả về sản lượng, chủng loại các sản phẩm mà ngành nông nghiệp Cần Thơ sản xuất được để đưa vào TPHCM”, ông Nguyễn Tấn Nhơn chia sẻ.

Phân loại rau tại nguồn ở Đà Lạt trước khi đưa đi tiêu thụ tại thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phân loại rau tại nguồn ở Đà Lạt trước khi đưa đi tiêu thụ tại thị trường TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Tương tự, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 227 chuỗi liên kết các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 66 chuỗi liên kết được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị Go, MM market, Co.op Mart, Winmart+…; thị trường tiêu thụ ở TPHCM chiếm trên 60% tổng sản phẩm của các chuỗi liên kết.

Sau khi liên kết với TPHCM, địa phương thường xuyên cập nhật đơn vị sản xuất theo VietGAP và cung cấp thông tin cho đơn vị tiêu thụ tại TPHCM khi có yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho hay, các cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với TPHCM đều được Sở NN-PTNT thường xuyên giám sát quy trình, như ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

“Thời gian tới, ngành nông nghiệp 2 địa phương phối hợp xây dựng, tổ chức ký kết và triển khai kế hoạch hợp tác, tập trung thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vào thị trường TPHCM, đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn tại TPHCM; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ, hệ thống siêu thị... tại TPHCM khảo sát vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh Lâm Đồng để ký kết, bao tiêu sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Châu thông tin.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, mục tiêu của Ban Quản lý ATTP TPHCM là hàng năm tăng ít nhất 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản tươi sống đạt chứng nhận an toàn tiêu thụ trên địa bàn TPHCM được quản lý, kiểm soát theo “chuỗi thực phẩm an toàn”. Đến năm 2025, chuỗi thực phẩm an toàn TPHCM sẽ đạt 2.000 cơ sở.

Tin cùng chuyên mục