Người bán hàng rong có chỗ mưu sinh hợp pháp
Theo kế hoạch, ngày 28-8, UBND quận 1 chính thức khai trương hai khu phố bán hàng rong tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và tại công viên Bách Tùng Diệp. Cụ thể, phần vỉa hè ở đường Nguyễn Văn Chiêm (bên hông Nhà văn hóa Thanh niên) sẽ dành diện tích khoảng 40m x 3m và công viên Bách Tùng Diệp (mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng) sẽ dành diện tích 8,7m x 33,5m, dự kiến bố trí cho khoảng 67 hộ dân thí điểm kinh doanh theo giờ.
Đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1 sắp mở phố hàng rong
Cụ thể, tại các khu vực này, quận sắp xếp bàn ghế theo mẫu thống nhất. Đồ ăn, thức uống thì người dân chế biến sẵn tại nhà. Các hộ dân này được phép kinh doanh các mặt hàng ăn uống từ 6 giờ đến 9 giờ sáng và từ 11 giờ đến 13 giờ chiều mỗi ngày (thời gian có thể sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế). Hết khoảng thời gian này thì bàn ghế, hàng quán phải được thu gọn, dọn dẹp vệ sinh tại khu vực để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, cho biết các cơ quan chức năng của quận đã có bước chuẩn bị kỹ trước khi chính thức thí điểm cho bán hàng ăn tại hai khu vực trên. Theo đó, trong tháng 7-2017 quận đã tổ chức khám sức khỏe và tập huấn đợt 4 cho 26 hộ dân còn lại.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, quận đã tổ chức khám sức khỏe, tập huấn an toàn thực phẩm, nội quy hoạt động, phân loại rác tại nguồn cho 67 hộ dân dự kiến sẽ được bố trí. Quận còn triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát, gắn thùng rác và thi công hệ thống thoát nước tại hai khu vực dự kiến lập phố hàng ăn.
Ngoài ra, quận cũng đã tổ chức hội nghị phản biện về đề án kinh doanh khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian tại đường Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp, nhận được nhiều ý kiến góp ý về vấn đề an toàn thực phẩm, trách nhiệm người kinh doanh, yêu cầu bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…
Đến nay, các bước chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc khai trương. Ngoài ra, quận 1 cũng giao cho chủ tịch UBND các phường chủ động rà soát, lựa chọn đề xuất các tuyến đường để tổ chức sắp xếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đang buôn bán trên vỉa hè (khoảng 280 hộ bán hàng rong làm nguồn thu nhập chính nên không đồng ý chuyển đổi nghề).
Người dân là trung tâm
Theo ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND quận 1, các hộ dân được bố trí vào hai khu phố ẩm thực theo giờ trên là hộ nghèo, cận nghèo của quận đang buôn bán hàng rong trên vỉa hè. Việc quận tổ chức sắp xếp lại đời sống để họ có nơi buôn bán hợp pháp là một trong nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu an sinh xã hội gắn với công tác lập lại trật tự đô thị. Giải pháp tổ chức sắp xếp cho người có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm không những phục vụ nhu cầu của người dân, khách du lịch mà còn giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường; đồng thời giúp dễ quản lý để xây dựng hình ảnh văn minh thương nghiệp.
Bà M., một người dân ở phường Bến Nghé được bố trí vào nơi bán hàng rong tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm còn băn khoăn về khả năng thu hút khách khi bán ở chỗ mới. Nhưng phố hàng rong sắp mở trật tự, khang trang hơn so với việc buôn gánh bán bưng trên vỉa hè; người bán được tập huấn các điều kiện về an toàn thực phẩm nên đồ ăn, thức uống sẽ đảm bảo hơn… vì thế bà M. hy vọng sẽ thu hút khách.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận xét việc tập trung những người bán hàng rong vào một khu vực thì thấy ngay, đó là ý định của chính quyền với mong muốn tránh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, giữ gìn được mỹ quan đô thị và kiểm soát được an toàn thực phẩm.
Nhưng tập trung như thế có phù hợp với lợi ích và lối sống của người dân (bao gồm người bán hàng và người tiêu dùng) hay không thì lại là chuyện khác. Người bán hàng rong rất cần người mua và sở dĩ họ đi bán rong chính là đi cung cấp dịch vụ tiện ích cho những người mua không có điều kiện sức khỏe hoặc điều kiện tài chính để đi chợ hoặc siêu thị. Với việc tập trung lại như vậy, liệu những đối tượng ấy có thể đi đến các khu quy định ấy chỉ để được mua trên vỉa hè hay không? Có lẽ ở đây có độ vênh về lợi ích giữa khu tập trung hàng rong với lợi ích của cả người bán và người mua. Những khu vực ấy giống tính chất khu “chợ trời” nhiều hơn là khu hàng rong.
Tuy nhiên, việc thí điểm như thế cũng rất cần thiết, nhưng trong quá trình thực hiện cần nhìn từ quan điểm “người dân là trung tâm” mà TP đã đề ra (để phát hiện và điều chỉnh các giải pháp). Mặt khác, cũng cần phân biệt việc gì có thể thực hiện trong ngắn hạn, việc gì là trung hạn và dài hạn. Sự kiện giải tỏa vỉa hè của quận 1 vừa qua là một kinh nghiệm cần tham khảo.
Nhiều nơi sắp xếp chỗ buôn bán
Trước đó, quận Tân Bình đã tổ chức sắp xếp cho khoảng 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang bán hàng rong trên địa bàn vào khu vực chợ Phạm Văn Hai (phường 3, quận Tân Bình). Mặc dù, các hộ dân này chỉ bán vài giờ vào ban đêm nhưng thu nhập của họ đã từng bước ổn định và cao hơn so với việc bưng gánh, đẩy xe bán nay đây mai đó như trước. Chị Nguyễn Trần Tường Vy (25 tuổi) cho biết, được bố trí một khu vực ở chợ Phạm Văn Hai để bán gỏi cuốn, súp cua.
“Gần đây, do rơi vào mùa mưa nên việc buôn bán không được thuận lợi. Tuy nhiên, bán ở khu vực này vẫn có dù che, có ghế ngồi lịch sự, trong khi trước đây bán ở vỉa hè gặp trời mưa thì không bán được gì. Ngoài ra, ở đây mọi người bán được khoảng 4 giờ/ngày, từ khoảng 18 giờ 30 đến khuya nhưng vẫn không gặp khó khăn vì thức ăn được chế biến trước ở nhà. Do vậy, theo tôi khi quận 1 cho bán thí điểm vài giờ, nếu chuẩn bị tốt từ trước thì vẫn đảm bảo thời gian bán cho khách”, chị Vy chia sẻ thêm về lo lắng việc quận 1 chỉ cho bán 2 giờ/ca sẽ khiến nhiều người cập rập, không kịp chuẩn bị chế biến, nấu nướng.
Khu phố hàng rong ở chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) đã giúp nhiều hộ buôn bán trên vỉa hè có nơi mưu sinh ổn định
Tương tự, bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết quận 9 cũng đang rà soát lại một số khu đất công có vị trí phù hợp để sắp xếp, bố trí cho người bán hàng rong trên địa bàn có nơi buôn bán ổn định. Tuy nhiên, quận đang rà soát, cân nhắc kỹ về giờ giấc, ngành nghề để đảm bảo giải quyết nhu cầu của người bán hàng rong nhưng không làm xung đột quyền lợi của các tiểu thương, các hộ kinh doanh lân cận.
Tại quận Thủ Đức, ông Nguyễn Nam Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận cho biết, phòng đang phối hợp với Phòng Kinh tế và UBND một số phường, nhất là các phường có lượng công nhân tập trung đông như Linh Xuân, Bình Chiểu, Tam Bình… bố trí khu vực tập trung cho người bán hàng rong buôn bán vào buổi sáng. Việc này nhằm đảm bảo giữ gìn trật tự đô thị, vừa đảm bảo kiểm soát tốt an toàn thực phẩm.