Người dân trong vùng gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là lá phổi xanh của ĐBSCL. Từ lâu, nhiều du khách đặt chân đến đây với hy vọng khám phá một phần “Lung Trời”, nhưng chưa thể đặt chân vào vì chưa có tuyến du lịch.
Mới đây, trong tháng 6-2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Quyết định này được xem là mở lối để người dân trong và ngoài nước khám phá “Lung Trời” trong tương lai gần.
Với diện tích trên 2.800ha, Lung Ngọc Hoàng là vùng đất rất đặc biệt khi còn lưu giữ sự hiện diện của hơn 500 loài cây, con sinh sống. Trong số đó, có rất nhiều loài thuộc dạng quý hiếm. Có 330 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 92 họ; 234 loài nằm trong hệ thực vật đất ngập úng phèn.
Động vật trong khu bảo tồn được xác định gồm 206 loài động vật có xương sống trên cạn, phân theo các lớp ếch nhái, bò sát, lớp chim và lớp thú. Về thủy sản, có 77 loài cá được ghi nhận ở khu vực này, chiếm 77% tổng số loài đã ghi nhận được ở các thủy vực nước ngọt của ĐBSCL.
Trong 5 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, nhiều chuyên gia du lịch, để mở lối du lịch sinh thái, phát triển không gian vùng lõi với diện tích khoảng 2.800ha.
Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt Phan Đình Huê (chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL) nhận xét: “Tài nguyên của Lung Ngọc Hoàng còn nguyên vẹn, gây ngạc nhiên lớn cho các hãng lữ hành chuyên về du khách nước ngoài, bởi họ không biết ngay trung tâm ĐBSCL có khu bảo tồn như thế”.
Trong Lung Ngọc Hoàng có nhiều lung nhỏ như Lung Sen, Lung Lớn, Lung Trăn… Chúng tôi có dịp đến khu vực rốn của Lung Ngọc Hoàng, đó là một khu vực rộng gần bằng nửa sân bóng đá, pha trộn rong rêu và những vệ cỏ đặc quệt chen nhau trên mặt nước.
Còn Lung Sen nằm kế đó là vùng đất hoang dã rộng hơn một sân bóng đá, bao quanh là rừng tràm. Những cây sen như khoe sức sống khi vươn mình khỏi lớp rong trứng phủ dày mặt nước, nhiều đàn cá ròng ròng lớn bằng ngón tay út chen chúc tìm thức ăn. Những tia nắng nhẹ chiếu xuống khiến những đóa sen hồng trở nên lung linh đón ngày mới.
Theo đề án vừa được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt, các sản phẩm du lịch chính tại Lung Ngọc Hoàng, gồm: du lịch “con đường Tràm”, du lịch trải nghiệm, khám phá “thuần thiên nhiên”; du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường; du lịch trải nghiệm kết hợp dịch vụ sản xuất; du lịch trải nghiệm, mạo hiểm; du lịch tuần trăng mật; du lịch nghỉ dưỡng sinh thái… gắn với 4 tuyến du lịch nằm trong khu bảo tồn.
Đề án có tổng mức đầu tư khoảng 370 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hộ gia đình và nguồn thu từ việc cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch sinh thái.
Như vậy, tỉnh Hậu Giang đã “mở lối” để người dân vào khám phá “Lung Trời”. “Tuyệt vời. Tôi nghĩ Lung Ngọc Hoàng đẹp hàng đầu Việt Nam. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa nơi nào tôi thấy có cảnh quan tuyệt vời như thế này”, ông Stiermann Marrin, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Ricefield Logge (ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), sau khi có chuyến đi thực tế tại Lung Ngọc Hoàng, đã nhận định như vậy.