Khởi công nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh
“Đây là công trình sẽ được khởi công xây dựng tại khu Nam, dự kiến vào cuối năm nay”, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết.
Năm 2017, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7.
Dự án sẽ xây mới 2 hầm chui trên đường Nguyễn Văn Linh với tổng chiều dài mỗi hầm khoảng 480m, mặt cắt ngang đảm bảo 3 làn xe; kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Đối với hầm ký hiệu HC1: Phần hầm kín dài 60m; phần cầu chìm dài 36m (xử lý giao cắt với tuyến metro số 4 theo quy hoạch); phần hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài 200m, phía quốc lộ 1 dài 184m.
Đối với hầm ký hiệu HC2: Phần hầm kín dài 64m; phần cầu chìm 36m (xử lý giao cắt với tuyến metro số 4 theo quy hoạch); phần hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài 200m, phía quốc lộ 1 dài 180m.
Việc xây dựng nút giao thông này sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc thường xuyên tại khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam TPHCM.
Đặc biệt sẽ tách dòng xe container, xe có tải trọng lớn ra khỏi dòng xe hỗn hợp, xe máy, đảm bảo an toàn giao thông. Hiện tại dự án đã hoàn tất việc di dời hệ thống cáp viễn thông; đối với hệ thống điện cao thế 220kV và ống cấp nước, đang hoàn tất phương án thiết kế di dời để thống nhất thỏa thuận phương án di dời một lần cho cả giai đoạn 1 và giai đoạn hoàn thiện với các đơn vị liên quan.
Dự kiến, tháng 12 năm nay sẽ khởi công xây dựng, hoàn thành vào năm 2022, tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.
Một công trình quy mô có thể tháo gỡ ách tắc cơ bản ùn tắc giao thông trên địa bàn quận 4, đó là hệ thống cầu đường Nguyễn Khoái, đang chờ HĐND TPHCM thông qua trở lại trong kỳ họp tới đây. Trước đây, chủ trương đầu tư, thiết kế cây cầu đã có, thậm chí HĐND TPHCM đã thông qua kế hoạch vốn.
Tuy nhiên, sau đó quận 4 kiến nghị điều chỉnh lại phương án cho phù hợp. Theo thiết kế ban đầu, cây cầu đi từ đường D1 (quận 7, dự án Khu dân cư Him Lam - Kênh Tẻ) qua đất quận 4, vào đường Nguyễn Khoái, rồi lên cầu để vào quận 1.
“Chúng tôi thấy làm cầu vậy thì “xé” đô thị quận 4, chỉ đi qua đất quận có 400m, nên kiến nghị làm cây cầu thẳng luôn, chỉ cần có nhánh rẽ xuống quận là được”, một lãnh đạo quận 4 giải thích. Đó chính là lý do phải điều chỉnh lại phương án thiết kế.
Lúc trước, Sở GTVT chia phân kỳ 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là đường Nguyễn Khoái nối quận 7, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng; giai đoạn sau là đường Nguyễn Khoái qua quận 1, vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.
Vấn đề mắc mứu ở chỗ, HĐND TPHCM đã thông qua 2 giai đoạn, thì nay không phân kỳ đầu tư nữa nên phải trình HĐND TPHCM thông qua lần nữa, tất nhiên tổng vốn đầu tư sẽ có thay đổi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phương án thiết kế mới đã được Thành ủy và UBND TPHCM chấp thuận.
Kiến nghị mở rộng đường Nguyễn Tất Thành
Ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, nhận xét hiện tại việc mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, nhằm giảm tải ùn ứ giao thông từ quận 4 sang quận 7 là đơn giản nhất. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, UBND quận 4 đã có văn bản kiến nghị lên UBND TP, rồi các sở ngành họp bàn, đều thống nhất theo đề xuất mở rộng lộ giới về phía cảng Sài Gòn.
Hiện đường Nguyễn Tất Thành rộng 20m, quy hoạch đầu tiên lộ giới 30m, sau này chính thức điều chỉnh lộ giới lên 37m. Khu đất phía bờ sông Sài Gòn đã giải tỏa trắng từ cầu Tân Thuận đến đường Trương Đình Hợi; đoạn từ cầu Khánh Hội đến đường Hoàng Diệu, khu cảng cũng đã di dời xong, đất trống; chỉ có đoạn ở giữa (dài 490m) còn vướng hộ dân là từ đường Hoàng Diệu đến đường Ngô Văn Sở.
Đối với đoạn đường đã giải tỏa trắng thuộc phía sông Sài Gòn sẽ đủ điều kiện để mở rộng lộ giới là 12,5m theo quy hoạch. Hiện tại, nếu mở rộng đường Nguyễn Tất Thành theo phương án trên, mặc dù chưa thông toàn tuyến, nhưng sẽ giải quyết khá lớn lưu lượng xe từ khu Nam sang trung tâm TP và ngược lại.
Mặc dù đất trống nhưng thẩm quyền quản lý thuộc Bộ GTVT, muốn mở rộng cũng không được, do vượt quá thẩm quyền của thành phố.