
Hỏi: Từ lâu các sách sử đều viết là Phạm Hồng Thái hy sinh ở sông Châu Giang, Quảng Châu. Gần đây có bài báo lại viết ông hy sinh ở đầm Bạch Nga. Đề nghị quý báo cho biết về sự khác biệt trên.
Phạm Hân (Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, TPHCM)

KHÁNH TƯỜNG: Ngày 19-6-1924, Phạm Hồng Thái ném bom ở khách sạn Victoria, Sa Diện, Quảng Châu để ám sát toàn quyền Đông Dương là Merlin. Merlin thoát chết, Phạm Hồng Thái bị truy đuổi đã nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Chi tiết này được nhà cách mạng Triều Tiên là Từ Hưng Á xác nhận trong bức thư gửi chủ bút tờ Hiện tượng báo ở Hồng Công: “…Hưng Á tôi ở Hương Cảng ngóng chờ tin tức của Phạm Quân. Nay được tin qua quý báo là Phạm quân đã chôn mình dưới dòng sông Châu Giang, hỡi ôi! Thống hận làm sao!” (số ngày 25-6-1924).
Trong bia mộ do Hồ Yên soạn và viết năm 1925 cũng chỉ ghi là Phạm “nhảy xuống dòng sông tự tận”. Trong sách Phạm Hồng Thái (NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1957) tác giả Tô Nguyệt Đình cho biết, sau khi tự tử, thi thể Phạm Hồng Thái được tìm thấy trên sông Châu Giang và sau đó được mai táng ở đồi Bạch Vân.
Tuy nhiên, sách Quảng Châu thị văn vật chí của Bảo tàng Quảng Châu, trong bài Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ mộ (mộ Liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái) lại viết: “… Ông (Phạm Hồng Thái) đóng vai một nhà báo, tiến vào khách sạn Victoria ở Sa Diện, Quảng Châu, nay là Khách sạn Thắng Lợi, dùng tạc đạn mưu giết Toàn quyền Đông Dương Merlin. Tạc đạn nổ, một số trong bọn tùy tùng Merlin chết và bị thương nhưng Merlin thoát chết. Sự kiện xảy ra, Phạm Hồng Thái bị bọn quân cảnh bao vây, truy bắt ráo riết. Ông quả quyết nhảy xuống đầm Bạch Nga và hy sinh một cách tráng liệt” (Dẫn theo Hoàng Thanh Đạm).
Tác giả bài báo Về ngôi mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái từng đi thăm mộ Phạm Hồng Thái ghi nhận rằng, đầm Bạch Nga ở trên sông Châu Giang. Vậy là thắc mắc của bạn đã được giải tỏa: Châu Giang hay đầm Bạch Nga (trên sông Châu Giang) chính là nơi Phạm Hồng Thái hy sinh.
Có một điểm khác cần nói rõ là lúc mới hy sinh, thi hài Phạm liệt sĩ được chôn cất ở đồi Bạch Vân. Năm 1925, liệt sĩ lại được cải táng sang Nhị Vọng Cương, gần Hoàng Hoa Cương. Năm 1958, mộ lại được cải táng lần thứ hai, đưa đến núi Thái Hòa Cương.