Thời gian qua, tại TPHCM, Hà Nội, Nha Trang… xuất hiện không ít thầy lang chữa bệnh theo liệu pháp diện chẩn (phương pháp chữa các bệnh thông thường không dùng thuốc) do ông Bùi Quốc Châu sáng lập. Vậy liệu pháp diện chẩn là gì? Vì sao liệu pháp được các ban ngành chức năng khẳng định là chưa đủ cơ sở khoa học lại có thể tồn tại suốt 30 năm qua và lôi kéo được không ít hội viên cũng như bệnh nhân? Và quan trọng hơn tại sao phương pháp này đến nay vẫn không được thừa nhận?
Phòng mạch “chui” xài liệu pháp “chui”
Với liệu pháp diện chẩn, có người cho rằng đây chỉ là liệu pháp bấm huyệt, massage có tác dụng điều trị những bệnh thông thường nhưng cũng có những ý kiến khẳng định nó có những tác dụng thần kỳ giúp bệnh nhân dù ốm thập tử nhất sinh vẫn có thể được điều trị khỏi.
Và “trăm nghe không bằng một thấy”, có mặt tại Trung tâm Diện chẩn Việt Y đạo của ông Bùi Quốc Châu (16 Ký Con, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM), chúng tôi nhận diện hàng chục bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt khám chữa bệnh.
Cứ vài phút, lại có một bệnh nhân bước vào khám bệnh. Khi bước vào, ai nấy khúm núm vòng tay chào thầy rồi tới bàn một nhân viên nữ khai tên, rồi ngồi chờ đến lượt. 2 vị lương y luôn tay dùng các dụng cụ như búa cao su, cây dò huyệt, con lăn lần lượt thăm khám, day huyệt cho bệnh nhân. Qua tham khảo một vài người bệnh đến chữa trị ngay tại phòng mạch, có người thấy bệnh thuyên giảm nhưng cũng có người cho rằng chưa rõ có giảm bệnh hay không, nhưng vì không phải uống thuốc, chi phí cũng không cao nên cứ điều trị thử.
Mỗi lần khám điều trị xong, trước khi chào “thầy” ra về, mỗi bệnh nhân không quên móc túi nhét tiền (từ 20.000 đến 50.000 đồng) xuống dưới túi đựng dụng cụ của các “lương y”. Theo ước tính, với số bệnh nhân khá đông, 60 - 80 bệnh nhân/ngày, doanh thu của phòng khám lên tới hàng chục triệu đồng/tháng. Và không chỉ có những người trực tiếp đến khám chữa bệnh tại phòng khám, còn có nhiều người từ khắp nơi tìm đến mua dụng cụ, tài liệu do ông Châu biên soạn để về tự chữa bệnh.
Do chưa đưa ra được cơ sở lý luận chính thống, cũng như đánh giá hiệu quả một cách khoa học của liệu pháp này và chưa có chứng chỉ lương y nên theo Luật Hành nghề y, bản thân ông Châu cũng không được phép dùng phương pháp này hay bất cứ phương pháp nào để chữa bệnh. Thế nhưng không hiểu sao, trung tâm diện chẩn của ông Bùi Quốc Châu vẫn hoạt động như một phòng khám và lại do đệ tử của ông Châu đảm nhiệm việc khám chữa bệnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phòng mạch này không chỉ chưa có giấy phép đăng ký hoạt động mà trong số 4 người phụ trách hoạt động chính chỉ có ông Bùi Minh Tâm là người có bằng lương y còn lại 3 người gồm Bùi Minh Luân, Bùi Minh Trí (con ruột ông Châu) và Lý Văn Kiệt (con rể ông Châu) đều không phải lương y nhưng lại là những người thường xuyên trực tiếp khám và điều trị bệnh nhân. Vì vậy, có thể khẳng định, Trung tâm Diện chẩn Việt Y đạo tại địa chỉ 16 Ký Con, phường 7, quận Phú Nhuận vừa là phòng mạch “chui”, vừa sử dụng liệu pháp điều trị “chui”.
Cha bị đình chỉ, con kế tục hành nghề
Ông Châu thừa nhận năm 1996, ông bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM và các ban ngành chức năng “sờ gáy”, cấm hành nghề. Kể từ đó, ông không thực hiện khám chữa bệnh ở TPHCM mà mở lớp đào tạo phương pháp chữa bệnh độc quyền. Đến khi con trai ông Châu là Bùi Minh Tâm học xong lớp đông y thì mở phòng mạch đăng ký ở số 19 B Phạm Ngọc Thạch. Năm 2009, sau khi ông Châu làm nhà xong, ông Tâm chuyển phòng mạch về địa chỉ 16 Ký Con hoạt động. Do sơ suất nên ông Bùi Minh Tâm chưa đổi lại giấy phép phù hợp với địa chỉ mới.
Đáng chú ý là ngoài việc giảng dạy liệu pháp diện chẩn chưa được công nhận là phương pháp khoa học, ông Châu còn giảng dạy một số liệu pháp chữa bệnh mà nhiều người nghe qua cũng đều cho rằng quá hoang tưởng. Đó là niệm công và ảnh công, hai liệu pháp này được ông Châu “sáng tạo” phát triển trên cơ sở liệu pháp diện chẩn.
Ông Châu giải thích: “Niệm công là phương pháp chữa bệnh bằng cách người bệnh chỉ cần đọc, niệm số (tên) huyệt đạo tương ứng với vị trí bị đau là có thể giảm hoặc hết bệnh. Cách này hay hơn diện chẩn ở chỗ: Diện chẩn phải dùng con lăn hoặc cây dò huyệt để ấn, day vào huyệt đạo, còn phương pháp niệm công chỉ cần tập trung tư tưởng nghĩ và đọc tới số huyệt đạo tương ứng là được. Còn phương pháp ảnh công, người bệnh chỉ cần vẽ đồ hình vị trí bị đau sau đó dùng lửa hơ vào vị trí bị đau trên đồ hình thay vì hơ trên cơ thể cũng có khả năng giảm, hết bệnh”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc chữa thử, ông Châu xua tay nói rằng, muốn điều trị bằng “ảnh công” hay “niệm công”, rất mất thời giờ và công lực. Rồi khi chữa thì tinh thần phải thoải mái chứ khi có người để ý rất khó tập trung. Bên cạnh đó ông Châu cũng cho rằng không phải ai cũng phù hợp với cách chữa này, bởi cơ địa mỗi người đều khác nhau nên có người chữa khỏi, có người không.
Trao đổi với chúng tôi, chị N.T.C.V., một môn sinh Việt Y đạo, khóa 1… kể: “Một người em của tôi, vì nghe đồn ông Châu có cách dạy chữa bệnh hay nên tìm tới tham gia lớp học. Đóng 4 triệu đồng xong mới thấy hối hận thì đã muộn”.
Theo chị V., những ngày đầu, khi ông Châu giảng dạy về phương pháp diện chẩn nghe còn có lý. Nhưng càng về sau, ông toàn giảng dạy những điều mơ hồ, hoang tưởng. Nào là ảnh công, niệm công rồi ông khoe do ngồi thiền vận khí công nên cơ thể ông tiết ra mùi hương. Vớ vẩn là thế nhưng không hiểu sao người ta cũng tin, cứ lại gần người “thầy” mà hít lấy hít để. Một bác sĩ khi nghe chị V. phản ánh đã theo chân chị V. đi tìm hiểu xem sao. Sau vài ngày tham gia lớp học, vị bác sĩ này cũng phải choáng với những phương pháp mà ông Châu giảng dạy. “Ai tin thì tin chứ tôi thì không bao giờ tin”, bác sĩ này khẳng định.
Khác với chị V., một số môn sinh của ông Châu sau khi tầm sư học đạo được hơn 1 tháng đã trở về quê vỗ ngực xưng tên hành nghề chữa bệnh bằng diện chẩn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, môn đệ của ông Châu mở phòng khám trên nhiều địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Nha Trang, Cần Thơ…. Vừa chữa bệnh vừa giảng dạy truyền bá cái gọi là Việt Y đạo, họ lập ra cả hội diện chẩn, có sinh hoạt hội thảo hoành tráng. Ngoài ra, họ còn tung lên mạng hàng chục bài giảng, clip hướng dẫn liệu pháp diện chẩn.
TIẾN ĐẠT