Triển khai sâu rộng tại các tổ dân phố, khu dân cư
Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa việc phối hợp xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” là một trong những hoạt động trọng tâm. Từ đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn tiếp tục phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai xây dựng các mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” như: Mô hình bồn hoa bằng lốp xe ô tô; mô hình trồng hoa “Tuyến đường kiểu mẫu”; xây dựng các mô hình tuyến đường hoa đẹp, bồn hoa đẹp, điển hình: Mô hình “Điểm xanh văn hóa” gắn với phong trào “Sắc hồng cố đô” trên địa bàn thành phố Huế; tuyến đường hoa tại thôn An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền; tuyến tỉnh lộ 7 trồng 40 cây hoa giấy lớn, 165 cây bằng lăng, phượng vĩ tại thôn Khe Sòng, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy; tuyến đường hoa tại thôn Liễu Nam, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; tuyến đường hoa Osaka tại thôn Tân Thành - An Lộc, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền... Qua đó, góp phần tô thêm vẻ đẹp của bộ mặt đô thị và vùng nông thôn.
Ông Đặng Viết Chung, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền cho biết, điểm mấu chốt tạo nên sự thành công của mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” chính là sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của người dân.
Hiện MTTQ xã đang tiếp tục nhân rộng mô hình trên ở các thôn còn lại; trong đó tập trung phối hợp các đoàn thể chính trị - xã hội phân công đảm nhận các tiêu chí cụ thể như: Đoàn Thanh niên phụ trách hệ thống chiếu sáng; Hội Nông dân đảm nhận trồng cây xanh; Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động hội viên vệ sinh môi trường định kỳ; Hội Cựu chiến binh đảm bảo an ninh trật tự…
Không riêng xã Quảng Vinh, mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được triển khai sâu rộng tại các tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã xây dựng được 921 “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; hầu hết các tuyến đường giao thông từ nông thôn đến đô thị đều được các chi hội, đoàn thể đảm nhận quản lý, làm sạch đẹp môi trường. Bên cạnh đó, vận động nhân dân lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường nhằm đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở khu dân cư.
Ông Dương Đình Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” ở nhiều địa phương được người dân tích cực hưởng ứng tham gia. Kết quả đạt được trong xây dựng mô hình ở khu dân cư, tổ dân phố góp phần nâng cao ý thức về công tác bảo vệ môi trường gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Công tác tuyên truyền, vận động hội viện và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện mô hình cũng được mặt trận các cấp cụ thể hóa bằng những phần việc thiết thực như: phối hợp tổ chức ra quân xử lý, dọn dẹp các điểm về ô nhiễm môi trường; khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm, vệ sinh bờ biển; bóc tách quảng cáo, rao vặt không đúng quy định, lập lại trật tự vỉa hè, lề đường; tổ chức trồng cây xanh và hoa ở nhiều tuyến đường, lắp đặt điện chiếu sáng... Các cơ quan, đơn vị, trường học duy trì thường xuyên vệ sinh cơ quan, chăm sóc cây cảnh, bồn hoa góp phần tạo cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, sáng.
Thời gian tới sẽ tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân duy trì và nhân rộng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Mặt trận và đoàn thể các cấp cũng cần tăng cường công tác phối hợp đồng bộ với tinh thần kiên trì và huy động tổng hợp nhiều nguồn lực để duy trì mô hình. Trong đó, tập trung đặt mục tiêu mỗi địa phương xây dựng một “Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn” tiêu biểu và phù hợp với đặc điểm từng vùng. Đây sẽ là mô hình huy động được sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của người dân, hướng đến xây dựng Huế trở thành đô thị xanh, Thành phố 4 mùa hoa, Thành phố không rác thải.
Lan tỏa
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa làm việc với các Phó Bí thư thường trực, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thị, TP Huế để rà soát, đánh giá lại quá trình thực hiện Chỉ thị 24 – CT/TU, ngày 13-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mở cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng – xanh – sạch không rác thải và Chỉ thị 07 – CT/TU, ngày 5-7-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xây dựng Thừa Thiên Huế xanh – sạch – sáng tại các địa phương.
Đánh giá giá trị và tầm quan trọng của phong trào Ngày chủ nhật xanh, phong trào xanh - sạch - sáng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, đây là phong trào có tuổi thọ và tầm ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân; đã khơi dậy nhiều thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, xử lý rác thải. Là phong trào có sự ảnh hưởng, lan tỏa trên toàn quốc, sau 3 tháng phát động, đã được Chính phủ tuyên dương, khen ngợi.
Sau 4 năm, phong trào đã được cấp ủy, chính quyền địa phương cấp quan tâm tổ chức triển khai, cụ thể thành các chương trình tổ chức phù hợp với từng địa phương như thành phố Huế đưa phong trào Ngày chủ nhật Xanh thành Chủ nhật vì cộng đồng, Sắc hồng Cố đô; Phú Vang với phong trào biến rác thải thành tiền; Nam Đông xây dựng tuyến đường xanh… Phong trào đã được người dân đồng tình hưởng ứng, huy động được nguồn lực xã hội lan tỏa sự tích cực.
Tuy nhiên, một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, do nhận thức của cấp ủy chưa cao, sự lơ là của các cơ quan các cấp, cùng những hạn chế bất cập trong quá trình triển khai phong trào, làm cho phong trào chưa thật sự đi vào cuộc sống. “Vậy làm gì để duy trì phong trào Ngày Chủ nhật Xanh phát huy hiệu quả, phát triển sâu rộng, góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan trong giai đoạn Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là vấn đề cần phải quan tâm?”, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đặt vấn đề.
Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, phong trào phải duy trì và phát huy hiệu quả cao hơn, nhất là trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải. Tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ 2 Chỉ thị 24 và 07 của Tỉnh ủy. Mong muốn vừa duy trì phong trào theo diện rộng và phát triển phong trào theo chiều sâu. Mỗi địa phương, đơn vị chọn mô hình phù hợp để phát triển theo chiều sâu.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục triển khai Đề án liên quan nhưng phải điều chỉnh kế hoạch, chỉ đạo đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh về rác thải, chăm sóc cây xanh, các mô hình tạo điều kiện cho người dân xử lí rác thải, mô hình 1 triệu cây xanh. Quan trọng phải huy động được nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện phong trào hiệu quả. Cần nghiên cứu việc hình thành các thiết chế các mô hình quản lý về cây xanh. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân trong bảo vệ môi trường, huy động nguồn lực, có kế hoạch triển khai đồng độ. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức đánh giá, tổng kết phong trào.
Ý thức bảo vệ môi trường thông qua Chủ nhật Xanh phải làm thường xuyên, liên tục, trở thành ngày hội lớn trên địa bàn dân cư để tiếp tục thực hiện tốt cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao giá trị đô thị văn minh, nông thôn mới trên địa bàn.