Đây là những xã có vị trí địa lý chạy dọc theo sông Sài Gòn, phù hợp với định hướng phát triển của TP về việc khai thác du lịch sinh thái theo tuyến đường ven sông TPHCM.
Bưởi da xanh là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và ổn định trên thị trường, tuy nhiên hiện rầy chỏng cánh là đối tượng sâu hại nguy hiểm cho vườn cây có múi và để khống chế dịch hại trên cây bưởi, nên trồng xen canh cây ổi vì theo các nhà nghiên cứu, lá ổi có khả năng đặc biệt xua đuổi loại rầy này.
Đồng thời, trồng xen canh cây ổi nhằm bảo vệ thực vật, giúp gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích trong thời gian nhà vườn chờ bưởi ra trái. Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm mô hình (11-2017 - 12-2018), Trung tâm Khuyến Nông TPHCM đã tổ chức lượng giá kết quả thực hiện. Bưởi là cây trồng lâu năm, phải đến năm thứ 3 sau khi trồng mới cho trái, do mới thực hiện 1 năm nên mô hình chưa đánh giá kết quả năng suất, chỉ đánh giá về các chỉ tiêu, sinh trưởng, phát triển của cây.
Theo đó, nhìn chung cây thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương, cây sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 94%, phân cành nhánh nhiều cấp 2, cấp 3. Còn so với bưởi, ổi phát triển nhanh hơn, hầu như ổi ở các vườn trồng đều có trái bối.
Theo ông Võ Văn Gò (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, hộ tham gia mô hình), là một trong những hộ có thâm niên trồng bưởi, nhưng khi tham gia mô hình và thực hiện theo quy trình kỹ thuật của cán bộ khuyến nông hướng dẫn, vườn bưởi nhà ông phát triển tốt (chiều cao cây đạt 1,93m và đường kính tán 1,16m).
Bưởi là loại ưa nước, nhưng nếu để ngập nước sẽ dễ chết, do đó ông mong khuyến nông tạo điều kiện hỗ trợ các nhà vườn lắp đặt hệ thống tưới, giúp quá trình chăm sóc, phát triển cây bưởi đạt hiệu quả cao hơn trong những năm tiếp theo.