Liên kết, hợp tác cùng phát triển
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hội quán đã góp phần mang lại hiệu quả cao trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng như các chương trình, dự án trọng tâm của tỉnh. Cụ thể, với phương châm “3 không” (không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất); “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hướng) đã giúp nông dân gắn kết, hỗ trợ nhiều hơn trong sản xuất, đồng thời hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tránh tình trạng bị ép giá, bởi có ký hợp đồng giữa các chủ thể trong chuỗi sản xuất.
Hội quán dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp nông dân chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; lấy giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới. Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp được bắt đầu từ các hội quán, hợp tác xã và tổ hợp tác. Sau 7 năm phát triển, đến nay có 11 lĩnh vực có hội quán. Ở lĩnh vực nông nghiệp, hội quán giúp giải bài toán liên kết, hợp tác giữa các nông dân với nhau. Đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc mua chung, bán chung, góp phần giảm chi phí, tăng chất lượng, hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới tăng cường chế biến và tạo thuận lợi trong việc liên kết với doanh nghiệp. Trong lĩnh vực du lịch, hội quán góp phần giữ được nét truyền thống văn hóa, thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng thu nhập nông hộ. Nhiều hội quán đi vào hoạt động với phương châm phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương, xứ sở. Khi đó, họ nhận được không chỉ lợi nhuận mà còn là kiến thức, thông tin bổ ích khi tiếp xúc với khách tham quan.
Trong xây dựng nông thôn mới, hội quán góp phần tổ chức tốt công tác vận động và chủ động xây dựng những công trình đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân thay vì chỉ mong chờ vào cấp ủy, chính quyền. Hội quán đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng rác thải nhựa, không sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, kinh doanh; giúp gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Một số hội quán còn tích cực tham gia công tác hòa giải cộng đồng, dần trở thành trung tâm gắn kết cộng đồng và là chất xúc tác phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tạo bứt phá cho kinh tế địa phương
Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán Đặng Văn Những chia sẻ, trong quá trình sản xuất, các thành viên luôn tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm, không rõ nguồn gốc, tạo tiền đề cho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Thông qua đó, các thành viên đã có liên kết hợp đồng với hợp tác xã, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Kim Nhung Đồng Tháp bao tiêu sản phẩm xoài với giá theo thời điểm thu hoạch, sản lượng trên 335 tấn, trên diện tích 100ha của 124 thành viên hội quán và hợp tác xã, xuất khẩu đi Nhật, Australia, Nga và một số nước… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho thành viên hội quán.
Ông Trần Văn Trạng, Chủ nhiệm Đồng Tâm hội quán, cho biết, đến nay, hội quán đã liên kết với công ty cung ứng phân bón hữu cơ vi sinh và ký hợp đồng tiêu thụ nông sản. Trong đó, liên kết với Công ty TNHH MTV Kim Nhung Đồng Tháp, Song Nhi, Ara Đồng Tháp Westernfarm tiêu thụ hơn 856 tấn xoài cát chu, xoài tượng da xanh các loại xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Từ đó nâng cao thu nhập bình quân của từng thành viên hơn 49 triệu đồng/người/năm 2018 lên 70 triệu đồng/người/năm 2022.
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồng Ngự Lê Hà Luân, tham gia hội quán, các thành viên hiểu được họ đang cần gì và làm gì. Từng thành viên đã biết tận dụng, chia sẻ cùng phát triển, tạo ra một thương hiệu thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả đó, mô hình hội quán ngày càng được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Lê Thành Công cho biết thêm, hội quán tham gia tích cực chuyển đổi nông nghiệp xanh, hiện đại, bền vững, tạo bứt phá cho kinh tế địa phương. Chủ trương của tỉnh là phát huy vai trò hội quán gắn với thiết chế cộng đồng tự lực, tự chủ, tự quản; phát huy tinh thần hợp tác, liên kết trong nông nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp, hướng đến hội quán xây dựng mô hình Làng thông minh, Làng hạnh phúc… Tuy nhiên, để đạt mục tiêu trên, cần sự vào cuộc, chung tay đồng lòng của tỉnh, các cấp chính quyền, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cả cộng đồng; huy động cả nguồn lực công và tư, trong và ngoài nước.
Mô hình hội quán ở Đồng Tháp phát triển bắt đầu từ Canh Tân hội quán. Hội quán này được thành lập vào tháng 7-2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 145 hội quán với hơn 7.500 hội viên tham gia.