Đưa voi lên xe tải để chở về Vườn quốc gia Yok Don |
Ngày 18-3, Tổ chức Động vật châu Á tiếp nhận 2 cá thể voi nhà từ huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, tên là “Ta Nuôn” và “Y Khun” tham gia vào mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi tại Vườn quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk.
Ta Nuôn và Y Khun |
Ta Nuôn và Y Khun là hai cá thể voi nhà mới nhất tham gia vào Chương trình thúc đẩy du lịch thân thiện với voi - không cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho voi nhà tại tỉnh Đắk Lắk do Tổ chức Động vật châu Á tài trợ.
Voi cái Ta Nuôn - cái tên có nghĩa là tầm nhìn xa, sinh năm 1983 (năm nay khoảng 40 tuổi). Hồi nhỏ, voi sống ở Buôn Đôn, sau được bán sang Gia Lai để chở khoai mì và lúa gạo. Đến năm 2008, voi này quay lại Buôn Đôn đến nay.
Voi Ta Nuôn |
Ta Nuôn nhớ đường rất giỏi và đã từng tự chở chủ của mình về nhà từ Buôn Ma Thuột (cách 40km).
Theo thông báo của Tổ chức Động vật châu Á, chủ của Ta Nuôn vẫn là người trực tiếp chăm sóc voi này trong mô hình mới và trở thành nhân viên của Tổ chức Động vật châu Á. Ta Nuôn và chủ cùng đi bộ sang Vườn quốc gia Yok Đôn do nơi ở chỉ cách 2km.
Voi đực Y Khun, sinh năm 1978, năm nay 45 tuổi, là voi của Công ty Du lịch sinh thái Vân Long, từ huyện Lắk, cách Vườn quốc gia Yok Đôn chừng 60km. Y Khun có tính cách thất thường, có thể một phần vì voi bị bệnh viêm da, đã tái đi tái lại nhiều lần. Y Khun được chở về Vườn quốc gia Yok Đôn bằng xe tải.
Voi đực Y Khun và chủ voi |
Y Khun được chở về Vườn quốc gia Yok Đôn bằng xe tải |
Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện Tổ chức Động vật châu Á đã can thiệp phúc lợi cho 12 voi, trong đó 6 cá thể voi đang tham gia vào mô hình trải nghiệm voi thân thiện tại Vườn quốc gia Yok Đôn (chưa tính Ta Nuôn và Y Khun). Khách du lịch tham quan sẽ không cưỡi voi, thay vào đó chỉ ngắm voi và ngắm rừng trong khung cảnh tự nhiên.
Đưa voi rời khỏi nhà về Vườn quốc gia Yok Đôn để chăm sóc |
Tổ chức Động vật châu Á được thành lập bởi TS. Jill Robinson MBE từ năm 1998, tập trung vào chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật và cải thiện điều kiện phúc lợi của động vật ở châu Á bằng cách lan tỏa thông điệp thương yêu và tôn trọng tất cả các loài động vật.
Tại Việt Nam, Tổ chức Động vật châu Á triển khai 3 chương trình: cứu hộ gấu và chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật, nâng cao phúc lợi động vật nuôi nhốt và bảo vệ chó mèo. Hai dự án lớn của tổ chức này là Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và Dự án chuyển đổi mô hình du lịch thân thiện – nâng cao phúc lợi voi tại tỉnh Đắk Lắk.