Để các công trình sau nghiên cứu không chất đầy “ngăn kéo” thì sự tiếp sức từ doanh nghiệp có vai trò quyết định chứ không hẳn từ Nhà nước. Với quan điểm đó, các sản phẩm nghiên cứu tuy xuất phát điểm từ Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs), nhưng nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đã lần lượt có chỗ đứng trên thị trường. Cách làm của SHTP Labs cũng đã định hình nên hướng đi cho việc thương mại hóa những sản phẩm nghiên cứu, với tỷ lệ 30% - 70%.
Nhiều sản phẩm đến tay người dùng
Sản phẩm mới nhất của SHTP Labs được giới thiệu cách đây vài ngày là băng dán vết thương dạng gel. Sản phẩm ứng dụng tế bào gốc nhung hươu và nanocellulose, sản xuất dưới dạng băng dán gel nên sử dụng được ở nhiều vị trí trên cơ thể, thích hợp cho mọi loại vết thương, có giá thành cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập.
Bộ sản phẩm đã được đăng ký với Bộ Y tế và dự kiến được cấp phép lưu hành vào tháng 10-2018. Tại buổi giới thiệu sản phẩm, đại diện SHTP Labs cho biết sản phẩm được đơn vị này cùng nghiên cứu với Công ty TNHH Thế Giới Gen (một doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TPHCM - SHTP) với thời gian 12 tháng (từ tháng 10-2017 đến 10-2018).
Đây không phải là sản phẩm đầu tiên từ sự kết hợp của cơ quan nhà nước (SHTP) và doanh nghiệp để tiến đến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Trước đây, tập thể nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Công nghệ nano và Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học - SHTP Labs đã cho ra đời sản phẩm tinh nghệ nano Nacur Vital sau hơn 2 năm nghiên cứu.
Đại diện Công ty TNHH Thế Giới Gen giới thiệu sản phẩm băng dán vết thương dạng gel ứng dụng tế bào gốc nhung hươu và nanocellulose. Ảnh: TẤN BA
Nacur Vital có tác dụng tăng cường chức năng gan, giải độc gan, giúp làm lành vết thương, trị loét dạ dày, tá tràng, kháng viêm, giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.
Điểm khác biệt của Nacur Vital so với các sản phẩm có chứa curcumin (tinh chất trong nghệ) đang lưu hành trên thị trường là được sản xuất theo dạng nước, thay vì dạng viên nang. Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao nhượng quyền khai thác cho Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Viotek, là doanh nghiệp được ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, SHTP Labs còn thương mại hóa thành công sản phẩm viên uống chống nắng Bio Suncare ứng dụng công nghệ nano lycopen. Qua đường uống, những hợp chất trong sản phẩm thẩm thấu vào mặt tế bào da nhanh hơn, hiệu quả hơn so với các dòng sản phẩm bôi trực tiếp lên da.
Bio Suncare vốn dĩ được “ươm mầm” từ tổ nghiên cứu thực phẩm chức năng thuộc Phòng thí nghiệm Công nghệ nano (trực thuộc SHTP Labs) và Phòng Nghiên cứu phát triển của Công ty Thế giới Gen (Geneworld), sau đó quy trình sản xuất sản phẩm được chuyển giao cho Viotek.
Vai trò của doanh nghiệp
Nếu như Nacur Vital dạng nước là sản phẩm lần đầu tiên mà SHPT Labs đưa ra thị trường thông qua doanh nghiệp tại vườn ươm (đã được bao tiêu sản phẩm đầu ra), thì với Bio Suncare, sản phẩm đã được Công ty Kinh doanh dược phẩm Mediworld ký hợp đồng mua trên 1 triệu hộp (trị giá trên 3,8 tỷ đồng), trở thành nhà phân phối độc quyền sản phẩm Bio Suncare tại thị trường Việt Nam.
Các sản phẩm nói trên cũng nằm trong 7 dự án mà SHTP đã đề xuất và được UBND TPHCM phê duyệt đợt 1 thí điểm hỗ trợ thương mại hóa theo Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 17-5-2017.
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, những kết quả trên đánh dấu bước đi ban đầu thành công cho mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các doanh nghiệp trong SHTP từ sự hỗ trợ bởi SHTP Labs.
Qua đây thấy rõ, trong hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp để thương mại hóa sản phẩm khoa học, SHTP Labs đóng vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện việc điều phối, tiếp nhận các yêu cầu nghiên cứu, phát triển và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm cho các doanh nghiệp trong SHTP.
Ông Lê Hoài Quốc giải thích thêm: “Có đơn vị làm rất tốt sản phẩm nhưng thiếu chiến lược thương mại hóa, trường hợp này thì các chuyên gia sẽ định hướng thêm; nếu đơn vị nhận thấy sản phẩm còn có khả năng thương mại hóa cao hơn thì các chuyên gia sẽ đóng góp ý kiến chuyên môn để nó hoàn thiện tốt nhất; hoặc nếu thiếu nhân lực để phát triển sản phẩm thì SHTP sẽ hỗ trợ… Tức là phương pháp xử lý sẽ tùy vào từng sản phẩm và SHTP chỉ cấp kinh phí 30% cho việc thương mại hóa, còn lại 70% doanh nghiệp phải đối ứng, thực hiện”.
"Chúng ta vẫn đang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, do vậy cách làm ở SHTP Labs có thể được xem như là mô hình. Cần thấy rằng không quá chú trọng việc Nhà nước nhận về 30% mà phải cố gắng để 70% lợi nhuận mang lại cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp tục phát triển, có như thế mới có thêm nhiều sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa, thêm nhiều doanh nghiệp khoa học - công nghệ lớn mạnh".
Trưởng ban Quản lý SHTP LÊ HOÀI QUỐC