Chính quyền tinh gọn, hiệu quả
Pháp luật nước ta hiện vẫn chưa quy định cụ thể khái niệm “Chính quyền đô thị” (CQĐT). Có thể hiểu, CQĐT là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị hiệu quả cao, đầy đủ đặc điểm cơ bản của chính quyền địa phương. CQĐT là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực. Qua đó nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Trong các năm 2007 và 2013, TPHCM từng đề xuất mô hình CQĐT. Dù thời điểm đó, mô hình chưa được chấp nhận do thiếu các cơ sở pháp lý, nhưng TPHCM đã nhận thức rõ CQĐT chính là mô hình đúng đắn, phù hợp mà thành phố phải theo đuổi. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định có thể không tổ chức HĐND quận, phường nếu Quốc hội cho phép. Đây là cơ sở để TPHCM càng tích cực hơn nữa trong việc xây dựng và trình đề án.
Đề án CQĐT được TPHCM xây dựng lần này có 3 nội dung cốt lõi. Thứ nhất, không tổ chức HĐND ở một số đơn vị hành chính. Thứ hai, thành lập “thành phố trong thành phố”. Thứ ba, một số cơ chế chính sách đặc thù. Đến nay, TPHCM đã được thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù (theo Nghị quyết 54 của Quốc hội). TPHCM cũng đã trình Trung ương đề án thành lập TP Thủ Đức (thuộc TPHCM). Do vậy, hiện nay đề án CQĐT tại TPHCM chỉ còn nội dung cốt lõi là không tổ chức HĐND quận, phường.
Nhiều kênh tương tác giữa người dân và chính quyền
TPHCM là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội trong giai đoạn 2009-2016, qua thí điểm đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, làm cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép TPHCM được chính thức thực hiện tổ chức CQĐT để bảo đảm tính ổn định, lâu dài.
Theo đó, tổ chức chính quyền địa phương ở TPHCM, thành phố thuộc TPHCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương, gồm có HĐND và UBND. Tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường thuộc TPHCM là UBND quận, UBND phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Thời gian thực hiện mô hình này là từ ngày 1-7-2021.
Trong mô hình CQĐT, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh. Đó là đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND thành phố, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND thành phố, cấp ủy, mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Đặc biệt là sự phản ánh của khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư. UBND các phường tăng cường công tác giao ban với trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.
Về quyền làm chủ của người dân, CQĐT tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến người dân. Chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp ý kiến phản ánh của người dân được ghi nhận và giải quyết nhanh nhất.
Đặc biệt, TPHCM sẽ duy trì và tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp: tham gia trực tiếp thông qua đối thoại với lãnh đạo UBND như định kỳ tổ chức các hội nghị nhân dân hoặc tiếp xúc cử tri. Qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri.
Chính quyền đô thị tại TPHCMSẽ có gì đặc biệt?- Không tổ chức HĐND quận, phường. Được lợi ra sao?Tinh giản 316 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận, phường. 2009-2016 |