1 trong 3 chiếc tàu buýt đường sông đã được đóng, hạ thủy kỹ thuật và sẵn sàng đưa vào vận hành chính thức Ảnh: GIA MINH
“Giải cứu” đường bộ và phát triển du lịch
“Chúng tôi đã sẵn sàng 3 tàu chở khách và dự kiến trong tháng 11 này sẽ chính thức đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TPHCM, với tuyến số 1 có lộ trình từ bến Bạch Đằng đến Linh Đông”, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án) thông tin. Tuyến buýt đường sông đầu tiên của TPHCM này sẽ xuất phát tại bến Bạch Đằng (quận 1), lưu thông dọc theo sông Sài Gòn và kết thúc tại bến phà Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức). Toàn tuyến dài gần 11km đi qua 9 bến chính thức và 3 bến bổ sung dọc theo các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. “Trong giai đoạn đầu, các tàu buýt đường sông sẽ dừng, đón trả khách tại 5 bến; trong đó có bến đầu, bến cuối tại quận 1 và quận Thủ Đức. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các bến còn lại để đưa vào khai thác phục vụ hành khách”, ông Nguyễn Kim Toản thông tin và cho biết theo kế hoạch, trên tuyến số 1 này có 5 tàu (mỗi tàu 80 chỗ), trong đó 4 tàu vận chuyển khách thường xuyên và 1 tàu dự bị. Tuy nhiên, trước tiên công ty sẽ đưa vào khai thác 3 tàu với thời gian di chuyển khoảng 30 phút, bằng 2/3 thời gian so với xe buýt đường bộ trên cùng tuyến và giá vé dự kiến 15.000 đồng/lượt. Ở các vị trí đặt bến của tuyến buýt sông đều bố trí bãi giữ xe cho hành khách. Ngoài ra, một số bến chính còn kết nối với đường bộ bằng xe buýt. Việc lựa chọn các vị trí đặt bến đều có ý kiến chấp thuận của Sở GTVT TP nhằm tạo thuận lợi cho việc đi buýt đường sông và kết nối với giao thông đường bộ. Sở GTVT kỳ vọng loại hình vận tải hành khách công cộng đường sông này sẽ chia tải, giảm cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên đường bộ. Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết, TPHCM có hơn 1.000km đường thủy nội địa nhưng thời gian qua chưa khai thác hết lợi thế này. Với việc hình thành tuyến buýt đường sông sẽ góp phần rất lớn trong giải bài toán ùn tắc đường bộ. Đây còn là sản phẩm giúp ngành du lịch của TPHCM phát triển. Vì vậy, ông Bùi Xuân Cường đề nghị chủ đầu tư của các tuyến buýt đường sông cần tập trung, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân, khách du lịch để phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy.Giữ mặt tiền sông Theo kế hoạch kéo giảm ùn tắc giao thông, TPHCM đặt mục đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, việc đa dạng hóa loại hình giao thông công cộng như buýt đường sông (và sau này có thêm hệ thống tàu điện ngầm) là mục tiêu quan trọng góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông. Đến thời điểm hiện nay UBND TPHCM đã phê duyệt phát triển 4 tuyến buýt đường sông vào hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy của TPHCM. Mô hình phát triển tàu buýt đường sông đã được Công ty TNHH Thường Nhật đề xuất từ những năm 2005. Đến năm 2010, UBND TP chính thức chấp thuận cho công ty nghiên cứu đề xuất thí điểm mở 2 tuyến buýt đường sông đầu tiên. Ban đầu, các cơ quan chức năng lẫn chủ đầu tư nhận định, với quy định quản lý bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM hiện hành (quyết định 150/2004 của UBND TP) thì quỹ đất công dọc bờ sông Sài Gòn và các tuyến kênh Thanh Đa, Tàu Hủ - Bến Nghé… còn khá nhiều. Điều này giúp việc lựa chọn vị trí để lập bến đón, trả khách hợp lý, đảm bảo kết nối với đường bộ gặp nhiều thuận lợi. Nhưng trên thực tế, hàng lang ven sông, kênh rạch bị lấn chiếm rất nhiều. Việc giải tỏa, thu hồi đất để xây bến gặp trở ngại, khiến dự án mở tuyến buýt đường sông kéo dài, chậm đưa vào khai thác. Trước thực trạng 2 bên bờ sông bị chiếm dụng, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định, quan điểm của lãnh đạo TPHCM luôn nhất quán từ trước đến nay là không cho ai chiếm dụng mặt tiền sông làm của riêng. Ông Hoan nêu trường hợp chủ đầu tư dự án Khu dân cư Thảo Điền Sapphire (quận 2) tự ý lấn chiếm hành lang bảo vệ sông Sài Gòn xây hồ bơi, công trình thể dục thể thao đã bị phạt nặng (hơn 1 tỷ đồng - PV) và buộc tháo dỡ phần lấn chiếm để dẫn chứng cụ thể về quan điểm vừa nêu. Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM nhận thức rất rõ giá trị cảnh quan, lợi thế đường sông ở TP. Do đó, từ năm 2004, UBND TPHCM đã có quyết định 150 về quản lý, sử dụng hành lang, sông kênh rạch trên địa bàn. Năm 2017, UBND TP ban hành quyết định 22/2017 sửa đổi, bổ sung một số quy định của quyết định 150/2004 để phù hợp với thực tế. Các văn bản nêu trên là căn cứ pháp lý cụ thể bảo vệ hành lang sông, kênh, rạch giữ được hạ tầng phục vụ phát triển hệ thống buýt đường sông. “UBND TPHCM đã giao các cơ quan liên quan khẩn trương lập quy hoạch ngành để phát triển hạ tầng ven sông”, ông Hoan thông tin và nhận xét nếu TPHCM không phát triển hạ tầng ven sông thì bờ sông, kênh, rạch vừa dễ bị lấn chiếm vừa làm mất cảnh quan. Khi đó, không gian công cộng ven sông để người dân vui chơi, giải trí sẽ không còn. Quan trọng hơn, nếu không giữ được “mặt tiền sông” sẽ không giải được bài toán phát triển hệ thống buýt đường sông. “Do vậy, TPHCM phải xây dựng, hoàn thiện quy hoạch này. Trong đó, ngành giao thông vận tải xác định từng vị trí dự kiến làm bến đỗ, chỗ nào làm công viên, nơi nào làm đường ven sông. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức xâm phạm, lấn chiếm vào hành lang bảo vệ bờ sông sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Tuyến buýt đường sông số 1 có lộ trình: bến Bạch Đằng (phường Bến Nghé, quận 1) - bến Sài Gòn Pearl (phường 22, quận Bình Thạnh) - bến Bình An (phường Bình An, quận 2) - bến Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2) - bến Tầm Vu (phường 26, quận Bình Thạnh) - bến Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) - bến Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) - bến Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) - bến Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức). Trên tuyến còn có 3 bến bổ sung gồm: bến Thủ Thiêm (Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2), bến Trường Thọ (quận 9) và bến Tân Cảng (quận 2)
Tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6). Trên tuyến này có 7 bến đón trả khách, đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8. Việc đầu tư tuyến này đang tạm hoãn do ưu tiên xây dựng đập ngăn triều Bến Nghé. Theo kế hoạch, tuyến buýt sông số 2 sẽ khởi công trong năm 2018.
Công ty TNHH Thường Nhật là chủ đầu tư 2 tuyến buýt sông số 1 và số 2 vừa nêu theo hình thức đối tác công tư BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Tổng vốn đầu tư 2 tuyến buýt sông khoảng 125 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TP cũng phê duyệt tuyến buýt sông số 3 xuất phát từ bến Bạch Đằng đi mũi Đèn Đỏ (quận 7) và tuyến số 4 cũng chung điểm xuất phát từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6). Trên tuyến này có 7 bến đón trả khách, đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8. Việc đầu tư tuyến này đang tạm hoãn do ưu tiên xây dựng đập ngăn triều Bến Nghé. Theo kế hoạch, tuyến buýt sông số 2 sẽ khởi công trong năm 2018.
Công ty TNHH Thường Nhật là chủ đầu tư 2 tuyến buýt sông số 1 và số 2 vừa nêu theo hình thức đối tác công tư BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Tổng vốn đầu tư 2 tuyến buýt sông khoảng 125 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND TP cũng phê duyệt tuyến buýt sông số 3 xuất phát từ bến Bạch Đằng đi mũi Đèn Đỏ (quận 7) và tuyến số 4 cũng chung điểm xuất phát từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng (quận 7).