Cách làm này không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho DN mà còn góp phần nâng cao vị thế của một quốc gia. Đây là thông tin được các chuyên gia, DN đưa ra tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua sàn thương mại điện tử Amazon”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức mới đây.
Amazon hiện là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất và đứng đầu về doanh số bán lẻ, chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ trong lĩnh vực TMĐT tại Mỹ. Công ty cũng có nền tảng mua sắm trên thiết bị di động phổ biến nhất tại Mỹ về phạm vi tiếp cận và số lượng người dùng hàng tháng. Amazon cung cấp nhiều loại dịch vụ, ngoài bán hàng điện tử và các sản phẩm khác, nhà bán lẻ trực tuyến còn tạo ra doanh thu từ những người bán hàng là bên thứ ba, dịch vụ đăng ký và các hoạt động Amazon Web Services (AWS - dịch vụ điện toán đám mây).
Điều làm cho Amazon trở nên phổ biến là người tiêu dùng có thể mua sắm rất nhiều loại hàng hóa chỉ từ một nền tảng duy nhất. Các mặt hàng có sẵn trên Amazon bao gồm: các sản phẩm làm đẹp, quần áo, trò chơi và thậm chí cả dao kéo, nhưng mặt hàng được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng nhất là đồ điện tử.
Hiện Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu khách hàng thân thiết trên toàn cầu, 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic. Vì vậy, tiếp cận được với sàn TMĐT Amazon sẽ giúp DN Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính thức tham gia thị trường Việt Nam vào cuối năm 2018, đến nay Amazon đã “chiêu mộ” khoảng 200 DN bán hàng trên sàn. Hàng Việt bán trên Amazon chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, thủ công mỹ nghệ mang tính truyền thống của Việt Nam. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, nhìn nhận, thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế để đưa hàng hóa lên Amazon. Tuy nhiên, để thành công các DN cần tìm hiểu thật kỹ các quy định về chất lượng, an toàn của từng quốc gia. Điểm khác biệt giữa bán hàng trực tuyến và bán hàng truyền thống là bán trên mạng phải có hình thức trình bày thật đẹp mắt và hấp dẫn để thu hut sự chú ý của khách. Đây chính là điểm yếu của các DN, cần sớm khắc phục.
Là một trong số 100 DN Việt đầu tiên được Bộ Công thương chọn làm đối tác cho Amazon, ông Lê Bá Linh, thành viên sáng lập Công ty Link Nature Power, cho biết, từ khi được Amazon chọn cho đến lúc bán sản phẩm đầu tiên là 8 tháng. Đây là một quá trình đầy thử thách đối với một DN đã có thâm niên gần 10 năm chuyên xuất khẩu nước mắm vào Mỹ và Canada. Nếu không có sự tự tin, nguồn lực tài chính vững mạnh, cộng với sự hỗ trợ đắc lực đội ngũ tư vấn của Amazon và đối tác tư vấn marketing chuyên nghiệp thì công ty sẽ không thể chạm tới thành công. Theo ông Linh, sau gần 1 năm bán hàng, có thời điểm sản phẩm của công ty đã vươn lên vị số 1 trên sàn, trong tổng số 1.000 DN trong cùng ngành hàng, trở thành niềm tự hào của hàng Việt Nam.
“Doanh số bán hàng tuy chưa đạt như mong muốn, song hiệu quả mang lại rõ rệt nhất là sản phẩm được bán bằng chính thương hiệu của mình chứ không phải xuất khẩu thông qua hàng chục thương hiệu của DN nước ngoài như chúng tôi đã làm”, ông Lê Bá Linh nói.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, cho biết, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trên toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và là quốc gia cung ứng hàng hóa lớn thứ 7 cho Mỹ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt hơn 20%. Với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ đạt 65.760 USD/người/năm, cao hàng đầu thế giới, cùng với văn hóa tiêu dùng đã tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường Mỹ vẫn còn rất nhiều dư địa cho DN Việt Nam khai thác. |
Những ngành hàng hút người dùng
Tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Trinh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam, chia sẻ về xu hướng thị trường và ngành hàng tiềm năng, cũng như khuyến nghị về một số sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao và các yêu cầu về chất lượng liên quan khi bán hàng trên Amazon. Theo đó, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần phải xem xét các yếu tố như sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, đặc tính/thuộc tính, yêu cầu về chất lượng…của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà DN hướng tới.
Các ngành hàng tiêu biểu được bán trên Amazon bao gồm mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình, sản phẩm cho em bé, thiết bị chăm sóc cá nhân, tạp hóa thực phẩm… Năm 2019, ngành hàng mỹ phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình và thiết bị chăm sóc cá nhân có tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ TMĐT lớn thứ 2 ở Mỹ, đạt 53,12 tỷ USD. Đồ dùng cho mẹ và bé có tốc độ phát triển rất nhanh trong TMĐT. Ước tính đến năm 2026, doanh số sẽ đạt 11 tỷ USD. Mua hàng thuận tiện sẽ rất quan trọng đối với các bậc cha mẹ bận rộn.
So với các gia đình không có con, 46% gia đình có con sẽ mua đồ dùng cho mẹ và bé trực tuyến mỗi tuần. Và Amazon là một trong những trang web mua sắm đồ dùng cho mẹ và bé được ưa chuộng nhất. Riêng ngành hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong TMĐT tại Mỹ là tạp hóa thực phẩm. Năm 2019, doanh số bán hàng TMĐT thực phẩm và đồ uống của Mỹ dự kiến đạt 22,63 tỷ USD và sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2022.
Đối với đồ trang trí và nội thất, doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ năm 2020 dự kiến đạt gần 76,8 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng doanh số bán lẻ đối với mặt hàng này. Ước tính đến năm 2024, doanh số bán trực tuyến sẽ đạt 126 tỷ USD, chiếm 37,4% tổng doanh số bán lẻ. Đặc điểm tiêu dùng đối với ngành hàng này của người tiêu dùng Mỹ là mức tiêu thụ vừa và cao, có yêu cầu nhất định đối với chất lượng cuộc sống, quan tâm đến giá trị số tiền bỏ ra, yêu cầu cao về cá tính riêng. Đây là những mặt hàng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ, góp phần thể hiện chất lượng cuộc sống và là phương thức để chứng minh giá trị bản thân.
Khi chọn mua sản phẩm liên quan tới sức khỏe, người tiêu dùng Mỹ thường có xu hướng quan tâm đến chất liệu, thương hiệu; còn các sản phẩm liên quan đến thẩm mỹ, cá tính thì họ thường quan tâm đến thiết kế, chất liệu; đối với các sản phẩm có tần suất cao, điều họ quan tâm nhất là giá trị và giá cả. Các sản phẩm thuộc nhóm hàng này phải tuân thủ các tiêu chuẩn từ các cơ quan chức năng Mỹ.
4 bước tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng AmazonBà Kha Lệ Trinh, Quản lý tài khoản của Amazon Global Selling Vietnam, đã chia sẻ về 4 bước để tiếp cận phương thức xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng Amazon. Đầu tiên, người bán cần phải lựa chọn sản phẩm mà mình muốn bán trên nền tảng TMĐT Amazon. Để làm được điều này, người bán nên dựa vào các công cụ thống kê, phân tích sẵn có trên Amazon.com như: sản phẩm đang bán chạy nhất theo doanh thu, sản phẩm mới được ưa chuộng nhất, sản phẩm có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về xếp hạng bán hàng trong 24 giờ, các sản phẩm khách hàng Amazon muốn mua nhất, các sản phẩm được mua làm quà tặng phổ biến nhất hay công cụ nghiên cứu và thăm dò sản phẩm, từ đó có thể định hình ý tưởng cho sản phẩm kinh doanh của mình. Thứ hai là đăng tải sản phẩm. Người bán cần phải chuẩn bị chu đáo thông tin mô tả sản phẩm và chọn một cách thức đăng tải phù hợp - đăng tải theo từng sản phẩm hay đăng tải nhiều sản phẩm cùng một lúc. Chi tiết đăng tải phải bằng tiếng Anh. Người bán cần định danh sản phẩm tiêu chuẩn bằng mã vạch thương mại toàn cầu (GTIN) như UPC, ISBN, EAN. Lưu ý rằng, để được phê duyệt, hóa đơn mua hàng phải được phát hành trong vòng 180 ngày gần nhất; bao gồm đầy đủ tên và địa chỉ của nhà bán hàng, nhà sản xuất hoặc nhà phân phối; hiển thị ít nhất 10 đơn vị sản phẩm được mua. Đối với hình ảnh, Amazon yêu cầu phải chụp sản phẩm thật, chưa qua chỉnh sửa, không phải ảnh do máy tính tạo ra; hiển thị rõ ràng tất cả các mặt của sản phẩm hoặc bao bì; bao gồm số mô hình, tên sản phẩm hoặc cả hai; thể hiện tên và địa chỉ của doanh nghiệp hoặc nhà sản xuất; những thông tin quan trọng phải được viết bằng ngôn ngữ của nước mà sản phẩm được bày bán. Thứ ba là hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA). Đây là bước phát triển kinh doanh trực tuyến bằng cách tận dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng, sự chuyên nghiệp, dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo và các sự lựa chọn chuyển hàng nhanh chóng, tin cậy, đạt tiêu chuẩn quốc tế của Amazon. Với FBA, người bán sẽ lưu trữ các sản phẩm của mình tại kho hàng của Amazon. Amazon sẽ lấy hàng, đóng gói, vận chuyển và cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng cho những sản phẩm này. Cuối cùng là bán hàng và quảng bá sản phẩm trên Amazon. Người bán có thể sử dụng các công cụ của Amazon như Brand Registry - đăng ký thương hiệu, Seller Support - hỗ trợ người bán và Sponsored Products - quảng cáo dùng tử khóa để phát triển sản phẩm. |