Mở đường cho công nghệ số ra nước ngoài

Đi ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh, chinh phục, tìm kiếm doanh thu là chiến lược phát triển không chỉ các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số Việt Nam nên đặt ra mà bất kỳ doanh nghiệp ở lĩnh vực nào cũng cần hướng tới.
Quảng bá mạng di động Movitel (thương hiệu của Tập đoàn Viettel) đến người dân Mozambique
Quảng bá mạng di động Movitel (thương hiệu của Tập đoàn Viettel) đến người dân Mozambique

Hàng tỷ USD mang về

Trong các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số lớn của Việt Nam, Viettel và FPT nổi bật nhất về mức độ tham gia thị trường quốc tế cũng như số doanh thu. Năm 2022, doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD; của FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD. Đây là những con số lớn nhất từ trước đến nay của 2 doanh nghiệp này, cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số Việt Nam.

Trong 1 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài của tập đoàn FPT, có 800 triệu USD là xuất khẩu phần mềm, còn lại từ làm dịch vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các đối tác nước ngoài. Ngoài Việt Nam, FPT hiện có mặt tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với 60.000 nhân viên trên tất cả các lĩnh vực. Với mảng xuất khẩu phần mềm, FPT Software bắt đầu làm từ năm 1999 và dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2023. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng 26%/năm như 5 năm qua, thì doanh số của FPT Software đến năm 2026 là 2 tỷ USD, đến năm 2029 là 4 tỷ USD và đến năm 2032 là 8 tỷ USD. Ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng, xuất khẩu phần mềm không chỉ mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới, tạo công ăn việc làm có năng suất cao, mà còn thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia.

Với Tập đoàn Viettel, doanh nghiệp này hiện đang đầu tư kinh doanh viễn thông ở 10 thị trường nước ngoài, gồm Mozambique, Myanmar, Haiti, Burundi, Timor Leste, Tanzania, Cameroon, Lào, Campuchia và Peru. Năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng), tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông của toàn tập đoàn. Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 gần 500 triệu USD, cao nhất trong 5 năm qua. Tính lũy kế đến nay, tập đoàn này đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư ở nước ngoài.

Góp phần thúc đẩy sự đổi mới

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “23 năm trước, chúng tôi có ước mơ vươn ra biển lớn để ghi tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tháng 1-2000, FPT mở 2 văn phòng đầu tiên tại nước ngoài ở Bangalore và Silicon Valley, thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Mỹ. Tuy vậy, 2 năm đầu, chúng tôi không ký được một hợp đồng nào, trong khi ngân sách dần cạn kiệt”. Theo ông Bình, ở thời điểm đó đã có suy nghĩ dừng lại. Thế nhưng, FPT vẫn làm đến cùng với niềm tin Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng làm được.

Một góc văn phòng của Tập đoàn FPT tại Singapore

Một góc văn phòng của Tập đoàn FPT tại Singapore

Theo các chuyên gia, công nghệ thông tin là một thị trường không giới hạn, các doanh nghiệp Việt Nam nên ra nước ngoài tìm cơ hội mới. Khách hàng ở đâu, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần có văn phòng ở đó. Thị trường những nước nói tiếng Anh tốt luôn có sự cạnh tranh cao. Do vậy, các công ty Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội ở một số quốc gia tiếng Anh không phổ biến, tuy nhiên kỹ sư của ta phải thông thạo ngôn ngữ của họ. Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, Viettel đi ra nước ngoài từ rất sớm với việc thành lập Viettel Global năm 2006. Đến năm 2009, Viettel đã khai trương dịch vụ viễn thông tại Campuchia và Lào. Sau đó là các thị trường ở châu Phi, châu Mỹ như Mozambique, Cameroon, Peru, Burundi và Tanzania... “Đầu tư ra nước ngoài luôn đi kèm với thách thức và rủi ro. Trước hết là sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, ẩm thực, thể chế chính trị, luật pháp. Bên cạnh đó, có nguy cơ xảy ra tranh chấp pháp lý tại một số thị trường, có nơi còn bất ổn chính trị. Rủi ro còn đến từ sự biến động của tỷ giá ngoại tệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt khi ra thế giới thường thiếu bạn đồng hành do không có cộng đồng doanh nghiệp đi cùng”, ông Tào Đức Thắng chia sẻ.

Năm 2006, Viettel mới là tân binh trên thị trường viễn thông Việt Nam và vẫn còn vô danh với thế giới. Đến năm 2022, giá trị thương hiệu của Viettel đã đạt 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và số 1 Đông Nam Á về viễn thông. Việc cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài cũng là bài học quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn, góp phần thúc đẩy sự đổi mới tại Việt Nam. Theo Bộ TT-TT, nhiều năm qua, có khá nhiều doanh nghiệp công nghệ - viễn thông Việt Nam đầu tư, tìm cơ hội làm ăn ở thị trường nước ngoài. Thành công của Viettel và FPT là cơ sở để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể tự tin vươn ra biển lớn, nhất là những startup “kỳ lân” như VNG, MoMo, Sky Mavis… với tiềm lực của mình sẽ có nhiều cơ hội và thành công.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ TT-TT:

Đó là sứ mệnh của các doanh nghiệp

Đi ra thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh quang. Đó là sứ mệnh của các doanh nghiệp để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu Chính phủ ký kết hiệp định về đối tác số với các nước. Mỗi tháng, Bộ TT-TT sẽ tổ chức ít nhất 1 sự kiện để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số làm ăn ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài…

Hiện tại là thời điểm tốt để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới. Cơ hội lớn nhất khi thế giới có những thay đổi lớn, khi cuộc cách mạng công nghiệp mới đang diễn ra với nhiều công nghệ mới. Cơ hội để một quốc gia thay đổi thứ hạng chính là lúc này.


Ông NGUYỄN THIỆN NGHĨA, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ TT-TT):

Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số Make in Vietnam ra nước ngoài, giải bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước; từng bước trở thành những tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu. Thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội và doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động, sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường công nghệ thông tin toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”. Năm 2023, Bộ TT-TT đặt trọng tâm làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ số Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện đầu tư - thương mại các nước nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới.


Bà NGUYỄN THỊ THU GIANG, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA):

Mỹ và châu Âu là những thị trường ưu tiên

VINASA vừa thực hiện khảo sát với 63 doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) về thực trạng và các mối quan tâm khi tham gia thị trường quốc tế. Khảo sát cho thấy, khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường mà các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ưu tiên lựa chọn khi vươn ra toàn cầu. Ngành CNTT Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn cả trong nước và quốc tế. Hơn 2 năm qua, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã và đang nhận được sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ứng dụng CNTT được triển khai nhanh chóng tại tất cả cơ quan quản lý và các ngành kinh tế từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của các ông lớn trong ngành sản xuất trên thế giới đầu tư vào Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, cung cấp dịch vụ CNTT rất lớn cho các doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục