Sự kiện thu hút 15.000 lượt người tham dự bao gồm các cơ quan quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các nhà sản xuất, phát hành và cộng đồng người chơi game. Đây còn là sân chơi cho những người yêu game có cơ hội gặp gỡ và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tạo môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất và phát hành giới thiệu game ra thị trường. Đây cũng là cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp game trong và ngoài nước với các nhà đầu tư.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) phát biểu tại sự kiện |
Theo số liệu từ cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nước ta hiện có 28,4 triệu người chơi game trực tuyến, với gần 200 công ty phát hành và sản xuất game trong nước. Cứ 25 game đưa lên kho ứng dụng ios và android thì có 1 game do người Việt Nam sản xuất, xếp thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á về doanh thu ngành game, ước tính đạt 200 triệu USD mỗi năm. Mới đây Học viện Bưu chính Viễn thông - trường đại học chuyên ngành công nghệ thông tin đã đề xuất lên Bộ GD - ĐT để mở bộ môn mới chuyên đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Bách Khoa và nhiều trường khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) nhấn mạnh, sự kiện còn là dịp tập hợp các doanh nghiệp game trong nước lại với nhau. Bộ đã đặt ra kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên con số 1 tỷ USD so với hiện nay là 600 triệu USD. Không chỉ có 30 doanh nghiệp đang hoạt động mà cần tăng lên con số trong thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp. Bộ cũng đặt ra con số sẽ kêu gọi 400 startup sản xuất game tham gia cùng với cộng đồng.
Tại sự kiện, các chuyên gia, khách mời cũng đã thảo luận về cơ chế, chính sách của ngành game, các vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, việc thu hút đầu tư dành cho game Việt cũng như những xu hướng tương lai của ngành này. Đưa ra các giải pháp nhằm tạo môi trường lành mạnh để ngành game Việt có cơ hội phát triển trong tương lai và có đóng góp trong nền kinh tế số tại nước ta.
Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm chơi game nhận quà trong Ngày hội Game Việt Nam 2023 |
Ông Thái Thanh Liêm, CEO của Topebox cũng có nhiều trăn trở khi nhìn thấy người Việt Nam đa số chơi game nước ngoài nhiều hơn chơi game được sản xuất trong nước. Ông cho rằng, một phần nguyên nhân là trình độ làm game của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tầm chơi của người Việt Nam, trong khi người Việt Nam lại có trình độ chơi game khá cao. Nhìn nhận rộng hơn, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước mà thị trường game rất phát triển, người chơi có tầm cao và thường chơi game do chính người của họ tự sản xuất.
Còn theo ông Đào Việt Anh, Quản lý và Phát triển cộng đồng Startup & Developer tại Việt Nam, đại diện Microsoft, cùng trong khu vực châu Á, có hai thị trường mà Việt Nam có thể học hỏi là Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018, Hàn Quốc thành lập một cơ quan quản lý, phát triển nội dung kỹ thuật số mang tên Kocca. Đơn vị này có vai trò hỗ trợ chính phủ, nhà phát triển game Hàn Quốc phát triển nội dung, tạo điều kiện phát triển game nội địa vươn ra toàn cầu. Còn tại Trung Quốc, quốc gia này có những động thái mạnh tay hơn như công nhận eSports là trong 1.900 nghề có danh xưng, nhiều vị trí công việc tốt. Nước này cũng có những ngành học đầu tiên về eSports trong khu vực châu Á, như cách phát triển, quản lý đội tuyển chuyên nghiệp.
Song song với Diễn đàn Game Việt Nam, trong hai ngày, Ngày hội Game Việt Nam còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Thi đấu hai game Esports nổi bật bao gồm Liên minh huyền thoại (Đấu trường chân lý) và Liên Quân Mobile; trao giải thưởng Game Việt Nam - Vietnam Game Awards 2023 (VGA 2023)- Game Arena; cuộc thi dành cho cộng đồng cosplay và trình diễn các nhân vật game yêu thích theo phong cách đa dạng và ấn tượng nhất…