“Trên 70% khách du lịch đến Cần Thơ đã tham quan chợ nổi Cái Răng. Sức hút của chợ nổi là du khách được tận mắt thấy tập quán sinh hoạt rất đặc trưng của người dân các địa phương vùng sông nước, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc. Chợ nổi Cái Răng giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển du lịch của Cần Thơ” – ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Cần Thơ nhận định tại hội thảo “Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng”, được tổ chức chiều 15-10.
Hiện nay ĐBSCL còn 6 chợ nổi: Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long). Hiện chợ nổi Cái Răng có khoảng 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản, trên 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương.
Hàng ngày vào giờ cao điểm, chợ nổi Cái Răng thu hút trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách du lịch tham quan. Qua đó tạo điểm nhấn, thu hút đầu tư các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vui chơi giải trí phát triển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: kết nối và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ thương hồ tiêu thụ nông sản ổn định; đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy… Đặc biệt là đề xuất giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng.
Các đại biểu cho rằng: Cần thống nhất nhận thức và khẳng định quan điểm với đặc tính tự nhiên, nên chợ nổi Cái Răng sinh ra là để mua bán, chứ không có nhiệm vụ phục vụ du lịch. Vì vậy, mục tiêu tối cao là bảo tồn hoạt động giao thương và văn hóa chợ nổi, một cách thiết thực. Nếu bảo tồn mang lại hiệu quả, ắt sẽ trở thành sản phẩm du lịch chợ nổi bền vững.
Theo soạn giả Nhâm Hùng: “Cần tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng nhưng nên theo hướng mở, có sự điều chỉnh, nhìn nhận lại và tìm hướng đi mới. Đồng thời, xác định sự can thiệp, hỗ trợ của nhà nước đến chừng mực nào, để không gây xáo trộn hoạt động giao thương, không mất đi tính nguyên sơ của chợ nổi”.
Nhiều hạn chế cũng đã được chỉ ra tại hội thảo. Theo đó, với sự phát triển nhanh và tiện lợi của giao thông đường bộ, việc giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ kè ít nhiều ảnh hưởng đến quy mô chợ nổi. Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường còn bất cập, điều kiện sinh sống của thương hồ còn khó khăn; thu hút đầu tư chưa hiệu quả, sản phẩm và dịch du lịch chưa phong phú...
Cũng theo dự báo, với đà phát triển hiện nay, trong 10-20 năm sau có thể sự thu hẹp và suy giảm của chợ nổi Cái Răng diễn ra càng nhanh chóng. Hơn nữa, với công trình bờ kè, sẽ cắt rời sự liền kề chợ, phố trên bờ. Do đó, rất cần có tầm nhìn, có lộ trình. Đặc biệt, là sáng tạo thiết lập một mô hình chợ nổi tự nhiên, kết hợp với chợ nổi tự tạo.
Như vậy, sẽ vừa bảo tồn được chất văn hóa gốc, vừa làm mới được đặc sản du lịch chợ nổi độc đáo của Cần Thơ và miền sông nước Cửu Long. “Trong bảo tồn văn hóa chợ nổi, cần nghiên cứu, có cách tái hiện tiếng rao hàng, lối hò đối đáp trên sông, đờn ca tài tử... Việc tái hiện phải đúng với chất gốc chợ xưa, hòa trong bối cảnh chợ nổi ngày nay. Mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ, gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm, như một cách làm kinh tế đêm trên sông nước” - soạn giả Nhâm Hùng đề xuất.