Nhận được phản ánh của người dân qua Đường dây nóng Báo SGGP, có mặt tại chân núi Nam Giới (thuộc địa bàn thôn Nam Hải và Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà), chúng tôi ghi nhận, mỏ đá nơi đây đã ngừng hoạt động khai thác từ lâu. Phía trước mỏ đá có một hồ nước rộng hàng ngàn mét vuông, độ sâu khoảng 6-10m. Cạnh đó là vách núi đá dựng đứng, rộng hàng trăm mét đã bị khai thác nham nhở, nhiều mỏm đá nằm cheo leo, khoét hàm ếch khiến đá có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Gần hồ nước có nhiều khối đá sắc nhọn với đủ loại kích cỡ khác nhau cùng đá dăm nằm ngổn ngang.
Dẫn chúng tôi tới khu vực mỏ đá, ông Nguyễn Quốc Ái (sinh năm 1957, ở thôn Nam Hải) cho biết, trước đây, một doanh nghiệp đến khai thác và chế biến đá đã dùng máy móc khoan vào lòng núi Nam Giới, đào xuống sâu để lấy đá ngầm. Sau khi hết hạn khai thác, ngừng hoạt động, doanh nghiệp này để lại hiện trạng vách núi đá cao chót vót, nham nhở cùng hồ nước rất sâu, rộng gây mất an toàn. Đặc biệt, tại khu vực này thường xuyên có người dân địa phương qua lại, chăn thả trâu, bò, dê, nhưng xung quanh không có rào chắn ngăn cách, nếu sơ ý sẽ dễ bị rơi xuống hồ nước hoặc đá từ trên vách núi cao rơi xuống, rất nguy hiểm.
Nhiều năm nay, tại mỏ đá dưới chân Núi Mốc (thuộc địa bàn thôn Văn Sơn và Thanh Long, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) cũng trong tình trạng doanh nghiệp khai thác xong nhưng không thực hiện san lấp mặt bằng, khiến khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm cho người dân và gia súc ở địa phương. Trước đây, có một doanh nghiệp được chấp thuận vào khai thác mỏ đá tại khu vực chân Núi Mốc theo phương án tận thu, sau đó địa điểm này được lấy để làm bãi đổ thải của mỏ sắt Thạch Khê. Đến năm 2013, doanh nghiệp phá sản, ngừng mọi hoạt động khai thác đá và để lại khu vực mỏ đá rộng lớn gần 1ha cùng hồ nước sâu 7-8m và bỏ hoang cho đến nay.
Ông Phạm Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân rất lo lắng, nhất là trẻ em ra vào khu vực này chơi, tắm, nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước rất cao. Chính quyền địa phương không biết kiến nghị với ai vì doanh nghiệp khai thác đá trước đây đã phá sản và rời khỏi địa bàn.
Tương tự, ông Bùi Đình Lâm, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, cho biết, trước mắt, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo cho người dân, nhất là trẻ em không được đi vào khu vực này vui chơi, tắm. Đồng thời, giao đoàn thanh niên triển khai lắp đặt hệ thống biển cảnh báo tại các khu vực ao hồ có nước sâu, nguy hiểm trên địa bàn để tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.