Tại Khánh Hòa, từ ngày 16-10, nhiều công ty du lịch đã bắt đầu đón khách du lịch nội địa có thẻ xanh hoặc thẻ vàng Covid-19 tới thành phố biển Nha Trang. Các điểm tham quan du lịch như Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng đã đón khách tham quan trở lại. Người dân cũng được tắm, vui chơi tại bãi biển công cộng. Các khách sạn, resort Vinpearl trên đảo Hòn Tre của Công ty CP Vinpearl - Chi nhánh Nha Trang cũng tổ chức cho khách tới nghỉ dưỡng.
Là một trong doanh nghiệp đạt tiêu chí du lịch và cơ sở “xanh”, bà Võ Thị Phương Nga, Phó Giám đốc điều hành Khu du lịch Champa Island ở Nha Trang, cho hay, để đón khách, nhân viên phải làm việc liên tục đảm bảo các khâu về buồng phòng, ẩm thực, môi trường, nhất là quy định về phòng chống dịch. Hơn 10 ngày qua, cơ sở chỉ đón lượng khách ít nhưng ai cũng thấy phấn khởi.
Những ngày gần đây, tỉnh Bình Thuận cũng đã bắt đầu đón những đoàn khách du lịch đầu tiên đến nghỉ dưỡng tại 3 cơ sở lưu trú 3-5 sao ở TP Phan Thiết. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho biết, trước mắt các cơ sở du lịch địa phương sẽ tập trung đón khách nội địa, nhất là các nhóm khách nhỏ, gia đình ở TPHCM và các tỉnh phía Nam. Nếu tình hình tiếp tục ổn định, địa phương sẽ đón khách quốc tế trong quý 1-2022.
Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 16-10, tỉnh bắt đầu nới lỏng kiểm soát đi lại liên tỉnh, mở cửa bãi tắm biển. Theo kế hoạch, tỉnh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở vùng có cấp độ dịch 1 và 2 được hoạt động 100% công suất. Ở vùng cấp độ 3, hoạt động tham quan tại điểm du lịch và sự kiện tập trung trong nhà, các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người, cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống ở khu du lịch không hoạt động quá 50% công suất. Du khách từ các tỉnh lân cận vẫn đổ về Bà Rịa - Vũng Tàu ngày một nhiều, tuy nhiên, hầu hết phải quay về trong ngày vì các khách sạn không nhận khách do lo ngại dịch bệnh lây lan.
Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ của một cơ sở lưu trú hơn 40 phòng ở khu vực Bãi Sau TP Vũng Tàu, cho biết, các khách sạn không bị yêu cầu đóng cửa nhưng phải có kế hoạch phòng chống dịch được cấp huyện phê duyệt mới được hoạt động. Trên thực tế, một số khách sạn chưa đủ điều kiện an toàn theo quy định phòng dịch vẫn lén nhận khách nên đã xuất hiện trường hợp du khách mắc Covid-19. Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi các cơ sở kinh doanh du lịch, lưu trú tạm thời không đón và phục vụ khách từ các tỉnh có nguy cơ cao như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Dù mạnh dạn mở cửa nhưng các địa phương cũng thận trọng đưa ra những quy định đối với du khách phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19 sau 14 ngày, hoặc đã khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Trẻ em đi cùng chưa tiêm vaccine, phải có kết quả âm tính với dịch Covid-19. Toàn bộ du khách sẽ được lấy mẫu xét nghiệm khi đến nơi lưu trú. Quản lý và nhân viên tiếp xúc khách du lịch phải được tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh; lao động tại các bộ phận khác trong cơ sở phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, các doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch, phương án đáp ứng tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19. Sở phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, phương án, cũng như kịch bản ứng phó khi phát hiện du khách là F0. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý người lao động, du khách đảm bảo quy định về phòng chống dịch theo quy định.
Ngày 26-10, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, bắt đầu từ ngày 1-11, tỉnh chính thức mở cửa đón khách du lịch nội địa. Tỉnh sẽ triển khai thí điểm đón khách nội và ngoại tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch 1 và 2, sau đó sẽ nới rộng dần. |