Việc hàng không mở đường bay, tăng tần suất sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phát triển. Du lịch phát triển lại mang nguồn khách rất lớn, hỗ trợ cho ngành hàng không.
Theo ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ 15-3 Việt Nam mở cửa toàn bộ đường bay quốc tế, không hạn chế tần suất. Tính tới thời điểm hiện tại, hàng không Việt Nam mở lại bay quốc tế đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giai đoạn từ ngày 11-1 đến ngày 23-2, có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam. Con số này theo ông Đăng, còn rất nhỏ so với lượng khách (4 triệu khách/tháng) thời kỳ cao điểm năm 2019 nhưng "vẫn là con số ấn tượng" vì Việt Nam vừa mở lại sau thời kỳ dịch. Hiện nay, Cục cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị từ quốc tế mở lại đường bay đến Việt Nam ở khu vực miền Trung (đặc biệt ở châu Âu, Nga...).
"Chúng ta cố gắng mở càng sớm càng tốt, càng rộng càng tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt. Trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế", ông Nam nói và cho rằng điều kiện tiên quyết phục hồi chính sách visa như trước Covid-19 ngay lập tức. Chính sách visa vô cũng quan trọng, cần phục hồi ngay 13 nước và mở rộng toàn bộ EU, Úc, NewZeland… nên mở visa miễn phí cho họ. Ông Nam cũng cho rằng, Trung Quốc, Mỹ là những thị trường khổng lồ và cần có chính sách visa tốt để thu hút khách du lịch đến Việt Nam.
TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Chính phủ đánh giá, cần đẩy nhanh việc phục hồi, bức phá khi mở cửa đón khách quốc tế. Lĩnh vực hàng không, du lịch mặc dù bị tàn phá trong 2 năm qua nhưng đã có sức chịu đựng tốt, đứng dậy nhanh. Ông Thiên nhấn mạnh, ngành du lịch và hàng không có thêm những điểm mới, độc đáo để bức phá mạnh mẽ, từ đó mới đủ sức cạnh tranh khi các quốc gia lân cận đồng loạt mở cửa.
Vừa rồi, có tín hiệu tích cực là một nhóm doanh nghiệp thuộc các nhóm khác nhau viết kiến nghị Chính phủ về mở cửa hàng không, tôi đánh giá hay và cần phải làm tiếp. Chính phủ sẵn sàng tiếp nhận cái mới, tiếp nhận những chiêu thức độc đáo để đột phá.
"Ngành du lịch và hàng không như là mũi tiên phong, ngành mũi nhọn để kéo thế giới với Việt Nam và kéo Việt Nam ra thế giới, đồng thời là mô hình cho các ngành khác mở cửa", TS Trần Đình Thiên nói.
Theo ông Nề, thách thức đầu tiên là việc chúng ta đã bị đóng băng 2 năm nên phải từng bước khắc phục những dịch vụ đã gãy khúc, phải quyết tâm, kiên trì và nhanh chóng. Chi phí cũng là một thách thức khi di chuyển của khách hàng bởi kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch. Thách thức thứ 2 là kiểm soát dịch bệnh. "Dù các nước trên thế giới đã kiểm soát được nhưng tâm lý khách hàng vẫn còn là một yếu tố khó đoán", ông Nề nói và cho rằng những thách thức này đòi hỏi ngành hàng không, du lịch phải phối hợp với Chính phủ và địa phương để vượt qua.
"Bắt nhịp" phục hồi với sự chuẩn bị mở rộng về mạng bay đón khách quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, khi mở bay lại sẽ khai thác ngay điểm đến Nhật Bản, Đài Loan, Anh...
Bà Martina Saitlova - Trưởng phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam: Cộng hòa Séc nói riêng và châu Âu nói chung đã đóng cửa trong 2 năm qua. "Chúng tôi rất mong được mở cửa lại và chào đón du khách tới Séc, đặc biệt mong chờ có những chuyến bay thẳng giữa Hà Nội và Praha. Cộng hòa Séc hứa sẽ có sự hậu thuẫn để đường bay thẳng này thành sự thật. Chúng tôi đang chờ đợi sự kết hợp thuận lợi để thiết lập đường bay thẳng với những yêu cầu về an ninh hàng không sớm nhất có thể", bà Martina Saitlova nói.