Xây dựng tiền đề
Vai trò hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là chính sách đặc thù của từng địa phương có vai trò quyết định nhằm thúc đẩy phát triển điện ảnh. Với TPHCM - trung tâm điện ảnh cả nước, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mục tiêu trở thành thành phố điện ảnh (film city), gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực điện ảnh. Trên thực tế, những yếu tố mang tính nền tảng nhằm hỗ trợ xây dựng công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp điện ảnh nói riêng tại TPHCM thời gian qua đã có những chuyển biến. Cụ thể, UBND TPHCM đã ban hành Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 với những tầm nhìn, mục tiêu chiến lược theo từng giai đoạn cụ thể.
Ngoài ra, HĐND TPHCM cũng đã ra nhiều nghị quyết để tạo thuận lợi cho việc phát triển ngành văn hóa như Nghị quyết 181/ NQ-HĐND (8-12-2023) về danh mục dự án để kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, trong đó ngành văn hóa, thể thao có 23 dự án; Nghị quyết 16/2023/NQ-HĐND (19-9-2023) về quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức công - tư; Nghị quyết 12/2023/NQ-HĐND (19-9-2023) quy định về nội dung chi và mức chi giải thưởng cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp…
Chính sách đã có, song trong Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 cũng thẳng thắn nhìn nhận: Nhân sự ngành điện ảnh, nhất là nhân sự trình độ cao đang thiếu trầm trọng; đầu tư của nhà nước cho các khâu sản xuất phim, phổ biến phim và cơ sở vật chất, kỹ thuật rất hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Điện ảnh là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố khách quan (phim, phương tiện, thiết bị) và chủ quan (nhà quay phim, kỹ thuật viên ánh sáng, âm thanh), những khó khăn kể trên đã khiến điện ảnh Việt Nam đến nay vẫn chưa thể bắt kịp các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Giải bài toán từ gốc
Trong câu chuyện mở cửa để thị trường điện ảnh Việt, đặc biệt tại TPHCM, có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và dư địa hiện tại, việc tạo ra tính kết nối và xây dựng mạng lưới trong khu vực và trên toàn cầu là điều vô cùng quan trọng. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, người phụ trách hạng mục Chợ dự án tại HIFF 2024, cho rằng, điều quan trọng không chỉ với TPHCM mà còn ở quy mô cả nước là phải làm sao để các nhà làm phim quốc tế thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng, có nhân sự tài năng, cơ sở hậu cần tốt để từ đó họ sẽ cùng chúng ta tìm kiếm cơ hội hợp tác làm phim. Đó cũng là điều mà các sự kiện điện ảnh trong nước, trong đó có HIFF nỗ lực thực hiện. Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đồng tình quan điểm đó. Theo anh, vấn đề cốt yếu hiện tại là phải tạo ra sự phát triển đồng bộ, phát triển hệ sinh thái điện ảnh lành mạnh, vững chắc mới có thể hợp tác quốc tế.
"Công nghiệp văn hóa của thành phố sẽ hội nhập nhanh và phát triển ngang tầm thời đại khi có cơ chế để cất cánh. Trong đó, điện ảnh cần được xem là một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, là động lực đưa tâm thức con người lên, đưa kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế du lịch. Tôi hy vọng, TPHCM sẽ có sự đầu tư, có kế hoạch, đặc biệt có cơ chế phù hợp để phát triển ngành điện ảnh hội nhập với thế giới, để từ đó thu hút các nhà làm phim thế giới đến làm phim tại thành phố, về thành phố chúng ta" GS-TS TRÌNH QUANG PHÚ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông
Trong đó, yếu tố then chốt vẫn là nguồn nhân lực, đặc biệt là khâu kịch bản, bởi đó chính là “trái tim, linh hồn” của những dự án sau này. Đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh cũng là một trong những giải pháp được TS Trương Minh Huy Vũ đưa ra. “Lĩnh vực điện ảnh cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dẫn dắt, từ đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên, kinh doanh điện ảnh... để từ đó xây dựng nên các thế hệ làm điện ảnh chuyên nghiệp, đáp ứng và cạnh tranh với thị trường điện ảnh thế giới”, ông cho biết. Cũng xem việc phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm của việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong đó có điện ảnh, Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 còn chủ động đề xuất việc xây dựng chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa.