Trong cái eo hẹp của ví tiền, đâu đó vẫn rộng thùng thình mớ tình thương dư dả được mẹ phơi phóng ngoài hiên. Là bó củi khô, ràng bánh tráng. Là mấy cái mền nhung hay bao gối thơm hương xà phòng chuẩn bị cho sắp nhỏ về có chỗ nghỉ ngơi. Cây nạng của mẹ vội không chạm đất với vô số công việc không tên. Những vết chân tròn trên cát vườn lún dần dưới bóng cây mai vừa lặt lá. Nắng chiều hắt bóng lưng mẹ thành hình cong, rồi nhuộm tóc mẹ bạc phơn phớt. Tôi thấy mắt mẹ sâu hơn với dày đặc nỗi niềm sau mỗi cái tết. Từ ngày ba mất, mẹ chẳng chờ xuân, chỉ đợi tết - cái mùa duy nhất trong năm được gặp mấy đứa con.
Tết đến nhà tôi khi cánh cổng không còn đóng kín. Cổng mở để chờ đàn con. Cổng mở để đón gia tiên. Cổng mở để mời nàng xuân vào với vài ba ước nguyện. Với ngôi nhà “luôn đóng” mà hàng xóm đặt biệt hiệu, tết về là thời khắc làm mọi thứ cởi mở hơn để đón nhận điều mới. Mẹ chẳng còn khóa mình lại sau nhà để bận rộn vườn tược. Mẹ bớt lắng lo có người lạ lẻn vào lúc đôi chân đang gắn liền với cây nạng chống. Ngôi nhà vốn vắng hoe từ ngày ba mất nay có sinh khí hơn với mấy chậu mai, cành đào. Lũ trẻ về, tết của mẹ cũng chợt chớm nở.
Mâm cúng giao thừa năm nay chỉ giản đơn có vài ba món chay được xếp trên chiếu cói. Phía sau, mẹ đặt cây nạng một bên, xin phép ông bà tổ tiên được ngồi trên ghế để đọc văn khấn. Mẹ khấn xin thổ địa cùng thần giữ cổng cho gia tiên được vào nhà ăn tết. Ông bà nội. Ông bà ngoại. Cô cậu. Anh năm. Đến tên của ba, không hiểu sao giọng mẹ nghẹn lại. Tôi ngồi cạnh chờ hóa vàng giấy tiền, lòng cũng nặng theo trĩu trịt. Đôi chân chẳng chịu nghe lời cứ trở trời lại nhói buốt, được mẹ đeo cái nẹp nhựa cố định. Mẹ bảo muốn ngồi lâu một tý, nhiều một tý. Tôi nghĩ bụng, chắc mẹ muốn đợi ba về qua cánh cổng đã mở toang cùng lời khấn chiều 30. Tôi cũng ngó ra, mải mắt chờ một thứ gì đó vô định. Tại thời khắc đất trời chuyển giao, tôi cho phép mình được đợi trông vào thứ gọi là kỳ diệu.
Tết với tôi là mùa sẻ chia: sẻ chia tình thương của mẹ. Tôi thấy tim mình ấm lại qua vài lát bánh tét hay mấy miếng đu đủ, củ kiệu tự làm. Những ngày bôn ba nơi thị thành chỉ toàn bụi bặm với con người rời và rạc, tôi tìm lại giá trị của mình qua những yêu thương nho nhỏ nơi quê nhà. Ít ra với người đàn bà ở góa ấy, tôi là điều tuyệt vời mà ba dành tặng cuối cùng. Dù rằng trong căn nhà đã mở toang cổng, vẫn văng vẳng những tiếng cằn nhằn thân thuộc chứ chẳng phải lời âu yếm. Rằng sao hôm nay chưa đem chuối ra phơi khi nắng đương giòn, hay mấy cái lư đồng đang bám đầy bụi cần chà rửa ngoài sân. Tôi cứ cười hềnh hệch rồi lầm lũi đi làm, bụng bảo dạ, đánh là yêu, mắng là thương. Chỉ mong nhiều cái tết sau nữa cũng được nghe tiếng la rầy ấy.
Tết hết từ mùng 3, khi mẹ làm mâm cúng tiễn đưa ông bà. Nhưng cổng phải chờ tới mùng 6 mới dần khép lại, bởi khi ấy mấy đứa con mới phải xa nhà. Mẹ chống nạng thắp nhang từng ban thờ, lẩm bẩm khấn xin rồi lấy mấy hộp bánh ngọt xuống, bỏ vào bao đồ. Bóng lưng mẹ lom khom mở cũi, nhét thêm mấy quả trứng gà, hay bó rau, trái ớt. Cột chặt miệng bao, tay cầm bút lông run run viết tên và số điện thoại của tôi. Mẹ bảo xe khách nhiều hàng, nhỡ đâu thất lạc. Tôi xoa vai mẹ, bảo đừng nhét nữa, để con vào thành phố rồi mua. Mẹ lúc lắc đầu, Sài Gòn cái gì cũng có, nhưng con của mẹ lại chẳng có tiền. Tôi ngồi cạnh bên, muốn nói thêm vài điều khuyên lơn mà cuống họng chợt nghèn nghẹn.
Những ngày hết tết là lúc đếm ngược đóng cổng nhà. Mẹ như chợt xót xa, cứ ra ra vào vào, ngó lên liếc xuống. Đêm trước ngày lên xe, tiếng chống nạng lộp bộp của mẹ vẫn vang trong khuya vắng. Mẹ lọ mọ kiểm tra lại bao đồ, rồi lẩm bẩm có còn cái gì quên chưa bỏ vào. Tôi nép sau cánh cửa nhà bếp, nhìn bóng lưng mẹ còng hơn năm trước, lòng trào ra cảm giác không nỡ. Không nỡ để mẹ lại một mình nơi căn nhà trống. Không nỡ để mẹ đợi ngày cổng mở vào tết sang năm. Không nỡ làm mẹ phải lắng lo liệu con mình ở nơi xa có đói. Nhưng biết làm sao, khi cái phận mưu sinh vẫn còn tròng trành trên vai nặng trĩu. Giá mà tết đừng ngắn như cái bánh chưng, mà dài ngoẵng thêm hệt đòn bánh tét. Dài thêm xíu xiu thôi, để tôi kịp xoa mờ vài vết đồi mồi trên đôi tay gầy tong của mẹ.
Đêm nay thật dài. Hình như ngoài hiên đã bắt đầu rơi từng giọt mưa xuân lành lạnh. Mẹ chong đèn ngồi cạnh bao đồ. Tôi chong đèn ngồi sau cánh cửa. Khoảng cách giữa chúng tôi không phải là vài ba bước nữa. Đó là khoảng cách giữa hai trái tim sắp hẹn nhau gặp lại vào mùa đoàn viên năm tới, khi cánh cổng lại được mở ra để đón ông bà.
THANH TRÚC
Tây Sơn, Bình Định