Sáng 11-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng vui mừng thông báo đã 9 ngày qua, cả nước không có ca mắc mới trong cộng đồng và hoạt động sản xuất kinh doanh đã sôi động trở lại, kể cả ở vùng tâm dịch vừa qua như Đà Nẵng, Quảng Nam. Như vậy chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia. Trạng thái bình thường mới được thiết lập, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương phải tiếp tục đề cao cảnh giác, đặc biệt là phát hiện kịp thời các ca nhiễm. Trong nhiệm vụ này, ngành y tế phải đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong quá trình này, đồng thời đề xuất các biện pháp kịp thời hơn trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép.
Thủ tướng nêu rõ, đối với những chuyến bay từ nước ngoài vào thì từng bước, thận trọng nhưng không quá khắt khe; không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch mới. Trong tháng 9 sẽ mở một số đường bay thương mại, chúng ta phải quan tâm đặc biệt các biện pháp thường triển khai như cách ly, xét nghiệm…
“Triển khai một cách thuận lợi nhưng chắc chắn, không để tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam gây ra ổ dịch”, Thủ tướng nêu rõ.
Đối với người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp kiểm soát y tế chặt chẽ, phù hợp, trên tinh thần vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các chuyên gia.
Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới đến hôm nay đã ghi nhận trên 28 triệu người mắc, hơn 908.000 người tử vong, số ca nhiễm mới ở Mỹ đang có xu hướng giảm đi nhưng vẫn gia tăng ở một số quốc gia như Ấn Độ.
Về việc kiểm soát người nhập cảnh tại một số quốc gia, hầu hết các nước trong khu vực châu Á đều yêu cầu người nhập cảnh phải có Giấy xét nghiệm không dương tính với virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh từ 2-5 ngày và cách ly 14 ngày, có thể lên tới 21 ngày sau khi nhập cảnh (tại nhà hoặc tại khu cách ly).
Tại Việt Nam, đến nay tổng cộng ghi nhận 1.059 người mắc, trong đó 402 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, 657 trường hợp mắc trong nước, 35 trường hợp tử vong là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng. Việt Nam đã qua 9 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
Theo nhận định của Bộ Y tế, hiện nay, cơ bản các ổ dịch đang được kiểm soát, tuy nhiên các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm là hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc…
Trong thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, các bộ ngành đang tập trung thảo luận về kế hoạch mở lại đường bay thương mại với các nước, vùng lãnh thổ có tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt giống như Việt Nam, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, xong vẫn bảo đảm hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét việc mở cửa trở lại trong thời gian tới để phát triển kinh tế, do đó, Bộ Y tế đề nghị thực hiện thông điệp 5K gồm khẩu trang - khử khuẩn- khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế.
Các địa phương phải chuẩn bị các kịch bản, phương án ứng phó với tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xuất nhập cảnh qua biên giới. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới…
Về tình hình vaccine, Bộ Y tế cho biết, hiện trên thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm, trong đó có 8 loại tiềm năng nhất đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng.
Vaccine Sputnik V đầu tiên do Nga sản xuất, từ ngày 9-9-2020 có thể thực hiện tiêm phòng vaccine Sputnik V cho khoảng 40.000 tình nguyện viên đăng ký trực tuyến. Việc tiêm phòng gồm 2 liều với khoảng thời gian giữa 2 liều là 21 ngày.
Tại Trung Quốc, ngày 7-9, hãng dược Sinova Biotech lần đầu tiên công bố các dữ liệu liên quan kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của vaccine Covid-19 CoronaVac.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang chuẩn bị sẵn kế hoạch tiếp nhận và phân phối "một lượng hạn chế" 1 hoặc 2 loại vaccine dự kiến ưu tiên miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, an ninh, nhân viên và người ở các nhà dưỡng lão.