Phát âm cong lưỡi mới sang
Tháng 2 vừa qua, Đường sách TPHCM công bố doanh thu trong năm 2022 đạt gần 52 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số rất đáng mừng để đường sách tiếp tục lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng. Nhưng nhiều ý kiến trên các diễn đàn chia sẻ về văn chương bày tỏ, mừng trước mắt nhưng cũng lo lâu dài, liệu con số này đã phản ánh đầy đủ văn hóa đọc có chiều sâu, nhất là với trẻ hiện nay? Một thực tế đáng suy ngẫm là việc ngôn ngữ mạng cũng bắt đầu đi vào “sách hot trend” (thường được giới trẻ nhắc đến khi xuất hiện một xu hướng mới) của nhiều bạn trẻ gen Z.
Trong hàng triệu nội dung mạng xã hội tiếp nhận mỗi ngày, không khó để bắt gặp nội dung từ các tài khoản trẻ theo kiểu tiếng Việt “chêm” tiếng Anh bất chấp ngữ pháp, tính logic như: Thứ high, thứ bar (thứ hai, thứ ba); xỉu up, xỉu down (xỉu lên, xỉu xuống), shoang chảnh (sang chảnh)… Và từ thói quen trên mạng, dẫn đến việc phát âm thường ngày cũng dần lai căng.
Hỏi đi hỏi lại đến 3 lần vẫn chưa định hình khách gọi món gì, Lương Hồng Trang Nhi (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chia sẻ: “Bạn đó gọi món bạc xỉu nhưng phát âm cứ cong lưỡi, tôi nghe đến 3 lần vẫn thấy ngờ ngợ. Pha chế sai món khách gọi thì nhân viên bị trừ lương ngày đó, tôi lấy giấy để bạn ghi tên món, thì thiệt tình đúng ngôn ngữ trên mạng là… bặc shỉu”.
Nói về cách phát âm của nhiều bạn trẻ hiện nay, Huỳnh Thu Trang (28 tuổi, giáo viên âm nhạc, ngụ quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Trong quá trình dạy các con, tôi luôn chú trọng việc tròn vành rõ chữ. Điều đó không chỉ là yêu cầu trong việc hát hò, mà để các con hình thành thói quen nói chuẩn, viết đúng. Bây giờ, hầu như bạn nào cũng có điện thoại riêng và tham gia vào mạng xã hội, lướt chừng vài giờ đồng hồ là bắt chước ngôn ngữ mạng rất nhanh, nói quen miệng rồi thành viết quen tay luôn”.
Hồn Việt qua từng con chữ
Được định hướng đi du học từ nhỏ, việc học tiếng Anh được ba mẹ chuẩn bị song song cùng việc học ở trường, nhưng với Lê Minh Hà (du học sinh tại TP Chicago, bang Illinois, Mỹ) chia sẻ: “Khi chuẩn bị đi du học, về ngoại ngữ tôi rất tự tin vì được ba mẹ chăm chút từ nhỏ. Ở môi trường học tập nước ngoài, giao tiếp cùng bạn bè quốc tế, tôi thấy rất thoải mái, nhưng mỗi ngày tôi luôn kết nối cùng nhóm du học sinh hoặc cộng đồng người Việt ở thành phố mình đang sống để nói tiếng quê hương. Trong những buổi chia sẻ ở các tiết thực hành, tôi cũng chọn trang phục khi thuyết trình là áo dài và bạn bè quốc tế nào muốn tìm hiểu, tôi luôn tặng tài liệu học tiếng Việt. Khi mình học ngoại ngữ, giáo viên rất khó, luôn bắt mình phát âm thật chuẩn. Hay nói chuyện với mấy bạn ở nước ngoài cũng vậy, mọi người sẵn sàng dành thời gian để giúp mình phát âm tốt nhất có thể. Nên khi có dịp trao đổi tiếng mẹ đẻ của mình với bạn bè ngoại quốc cũng thế, mọi người phải tìm hiểu và phát âm chuẩn tiếng Việt thì mới hiểu hết tiếng Việt có những âm sắc riêng và hay thế nào”.
Tương tự như Minh Hà, hành trang du học của Trương Hoàng Anh Thư (du học sinh Việt Nam tại Mỹ) là niềm tự hào về tiếng Việt. Thư bắt đầu dự án “NÉT Project” (hơn 13.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội), để kể những câu chuyện văn hóa truyền thống Việt Nam theo hình thức song ngữ nhằm lan tỏa tới các bạn trẻ Việt ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Anh Thư chia sẻ: “Thời gian đầu khi được trải nghiệm văn hóa phương Tây, những bài viết, video trên mạng xã hội về quê hương Việt Nam đã khiến tôi nhớ đến một điều mà mình sẽ không bao giờ có thể thay đổi, hay có thể khiến cho nó biến mất - mình là một người Việt Nam và cũng là người mang đến các bản chất văn hóa đặc sắc đến bạn bè phương Tây. Dù đi theo các xu hướng mới đem lại cho mình cảm giác mới mẻ và hào hứng, mình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quên rằng, chính những thói quen rất Việt Nam của mình đã khiến mình trở nên đặc biệt”.
Trong mỗi bài viết chia sẻ trên NÉT Project, Anh Thư và các bạn đều chú trọng tiếng Việt phải thật chuẩn xác trước khi chia sẻ công khai. Việc tích cực quảng bá nền văn hóa nghệ thuật của quê hương chính là lời cảm ơn mà nhóm bạn muốn gửi gắm đến gia đình của mình, ngôi trường mình đã theo học và cũng như là nền văn hóa mình đã lớn lên qua những câu từ, các dấu chấm câu.
Mạng xã hội trở thành một phần trong đời sống người trẻ hiện đại, những kết nối “không biên giới” khiến người ta có nhiều kết nối với bên ngoài… Tuy nhiên, đừng để một ngày chính mình phải đặt câu hỏi: Mình là ai trong thế giới mạng, với một mớ ngôn từ lai căng.