Vậy là tết năm nay cũng đã trôi qua rồi, người người nhà nhà lại bước vào guồng quay của công việc, học tập, tâm trí lúc nào cũng bận rộn, lo toan. Mình cũng đã bước vào học chính thức được một tuần nay, bài tập, kiểm tra lúc nào cũng chồng chất, sắp tới lại sẽ phải đối mặt thêm với những dự án, bài thi phục vụ cho việc kết thúc học phần. Những đêm ngủ không đủ, những sáng ngày mệt mỏi, bơ phờ sẽ là những sắp tới mình sẽ phải trải qua.
Càng nghĩ mình lại càng nhớ tết. Tết ngày xưa tuy chẳng đủ đầy mấy, nhưng ý nghĩa biết bao. Thời đó, mình vô lo vô nghĩ, lăng xăng giúp mẹ quét nhà; giúp bố trang trí cây đào; giúp ông lau lá gói bánh; giúp bà chuẩn bị mâm ngũ quả. Những việc làm giản dị thôi, nhưng lại là một phần quá đỗi quan trọng trong tuổi thơ của một cô bé nông thôn như mình. Nó giúp mình hình thành thói quen, nhận thức về tầm quan trọng của sự sum vầy ngày tết, của những phong tục truyền thống tốt đẹp trong ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Đối với mình, tết là phải có cành đào được treo kín dây đèn nháy, phải có nồi bánh chưng sôi sùng sục chiều 27 Tết, phải có tiếng í ới gọi nhau rửa sân, quét nhà, phải có mùi hương trên bàn thờ gia tiên lan tỏa ấm cúng khắp trong căn nhà nhỏ.
Lớn hơn một chút, khi chuẩn bị thi Đại học, mình mong từng ngày được rời khỏi nhà, được ra vùng vẫy nơi thế giới rộng lớn ngoài kia, được tự do làm điều mình thích mà chẳng có ai kè kè nhắc nhở bên cạnh. Vào cái tết khi học Đại học năm nhất, mình không thích ở nhà đến độ nằng nặc đòi mẹ, đòi ông cho ra Hà Nội sớm hơn, chỉ để mình không phải ở nhà làm việc nhà nữa. Mình biết mẹ buồn, nhưng vẫn hả hê và vui vẻ khi được rời khỏi nhà sớm hơn ngày đi học tận năm ngày, khi tính ham chơi còn vượt lên trên cả nỗi nhớ nhà, thương gia đình.
Nhưng đến năm nay, khi mình đang là một sinh viên năm thứ hai, khi mà năm qua mình gặp phải nhiều biến cố, mệt mỏi, chán chường, cảm giác bị tụt lại phía sau mọi người, mình lại mong chờ đến tết đến nhường nào. Mình chuẩn bị quà tết cho cả nhà, sắp xếp đồ đạc, vali từ sớm, đếm từng ngày một, đặt chuyến tàu sớm nhất để về nhà.
Chẳng hiểu sao, chỉ trong một năm thôi mà mình thay đổi nhiều đến thế. Mình không còn thích vùng vẫy ở Thủ đô nữa, đối với mình, thành phố Hà Nội thật ô nhiễm, khói bụi, bận rộn, ngột ngạt, đắt đỏ. Chỉ khi về quê, mình mới được thư giãn, thoải mái, không phải vướng bận điều gì. Mình yêu biết bao cái cảm giác về nhà có ông, có các chị với rổ gạo nếp, bó lạt giang, xấp lá dong chờ mình về là gói bánh chưng; mình yêu cái cảm giác được tự tay trang trí từng cành quất, cành đào; yêu cả không khí tết tấp nập, đông đúc nhưng lại chẳng kém phần cổ kính, trang trọng. Mình vui biết bao khi năm nay ông đã mừng thọ 85 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, vui vẻ với con cháu.
Tết năm nay trôi qua nhanh quá, mới ngày nào ngồi trên tàu về quê ăn tết đã phải ra sân ga để quay lại Hà Nội. Cảm xúc khi ấy thật khó tả, mình nhớ nhà khôn xiết, chẳng muốn xa nhà một chút nào. Mình thấy rõ nỗi buồn trong đôi mắt mẹ, sự hy vọng trong lời nói của ông. Nhưng chẳng còn cách nào khác, mình là sinh viên, mình phải đi học và phải học thật tốt, có được một công việc thật tốt, như vậy mới không phụ lòng gia đình mong mỏi.
Đối với mình, “tết xưa” là chính mình khi chưa trưởng thành, còn vô lo vô nghĩ, chưa nhận ra được giá trị thực sự của những nét đẹp về tết, những tình cảm và sự sum họp trong gia đình. “Tết xưa” còn là những giá trị truyền thống, là những điều xưa cũ nhưng lại làm nên tết thật trọn vẹn trong lòng mình. Đó là những điều không thể thay đổi, dù thời gian có là bao lâu, dù mình có trải qua những biến cố gì, tết vẫn là gia đình, là sum vầy, là những bữa cơm đơn giản nhưng chẳng có nơi nào có được. Và những điều giản dị ấy, mãi đến “tết nay”, Tết Giáp Thìn 2024, mình mới đủ trưởng thành để nhận ra.
Nếu được hỏi “Mình đã lớn lên trong những cái “tết xưa’ như thế nào?”, mình sẽ trả lời rằng, mình đã trưởng thành, đã lớn một cách thật trọn vẹn trong những cái tết xưa ấy, những cái tết mà mình chẳng thể tìm lại được nữa, và sẽ mãi nhớ về nó như những kí ức đẹp nhất của tuổi thơ.
LÊ HẠNH AN
Cầu Giấy, Hà Nội