Lan tỏa việc thiện đến cộng đồng
Gần 4 giờ sáng, tiếng cười nói vang lên một góc sân của am ni cô tại phường Tân Sơn Nhì. Bà Hương và nhóm bạn bận rộn nấu các món ăn để kịp buổi bán cơm từ thiện. Gần 20 năm qua, quán cơm chay do nhóm bà Hương nấu bán vào ngày rằm và mùng 1 (âm lịch) hàng tháng đã rất quen thuộc với người nghèo.
Nếu ban đầu chỉ có bà Hương và các thành viên trong gia đình bà tham gia, thì nay đã lan tỏa đến rất nhiều người. Có người đến quán để phụ nấu ăn, bưng bê, lau dọn rồi cuối buổi móc túi lấy 50.000 đồng góp vào quỹ. Có người đến ăn dĩa cơm chay rồi ủng hộ 500.000 đồng, vì thấy việc làm của nhóm có ý nghĩa. Từ số tiền thu được, mỗi năm nhóm bà Hương gom góp xây tặng được 3 - 4 căn nhà tình thương, tình nghĩa cho người nghèo các tỉnh Tây Nam bộ.
Vừa xong việc ở quán cơm, bà Hương quay sang làm các phần ăn để tặng người khó khăn tại bệnh viện. Luôn tay làm việc, nhưng miệng bà Hương lúc nào cũng nở nụ cười tươi.
“Được làm việc, nhất là việc có ích cho mọi người, tôi thấy hạnh phúc lắm. Không chỉ tôi, mà những người cùng chung tay góp sức cho các hoạt động này đều thấy được giá trị sống quý báu”, bà Hương chia sẻ.
Một việc làm ý nghĩa của nhóm bà Hương từ 7 năm nay chính là trao tặng toa thuốc xạ trị (3 triệu đồng/toa) cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Cách đây vài ngày, bà vừa đến trao 28 toa thuốc cho bệnh nhân.
“Lẽ ra hoạt động này thường diễn ra vào dịp cuối năm, nhưng năm nay vì có quá nhiều người cần được hỗ trợ nên tôi vận động bạn bè ủng hộ. Thấy việc làm thiết thực, mọi người không từ chối”, bà Hương cho biết.
Trước đây, nhóm bà Hương thường đến bệnh viện để tặng quà, tiền. Nhưng nhờ gợi ý của một bác sĩ, nhóm bà đã chuyển sang tặng toa thuốc xạ trị để giúp bệnh nhân có thêm cơ hội sống.
Có đồng hành cùng bà Hương khi đi thăm, nấu ăn tặng bệnh nhân mắc bệnh phong, tâm thần, người dân tộc trên vùng cao, mới thấy hết tấm lòng của người phụ nữ ấy. Lần nào cũng vậy, không chỉ góp tiền của, bà Hương luôn là người đi đầu, có khi thức trắng cả đêm để nấu những phần ăn thật ngon cho người khốn khó.
Việc làm của bà không chỉ lan tỏa đến bạn bè, các mạnh thường quân, mà cả mẹ bà nay đã 89 tuổi, chồng và các con, cháu nội, cháu ngoại của bà Hương dù còn rất nhỏ cũng tham gia cùng bà trong các chuyến thiện nguyện khắp mọi nơi.
Nghĩa tình cùng đồng đội
Bà Hương kể rằng mình cũng xuất thân từ nghèo khó nên hiểu người nghèo cần gì. Ngay từ lúc nhỏ, dù nhà rất nghèo, bà đã có lòng hướng thiện. Một lần khi sang nhà hàng xóm chơi, thấy đã chiều tối mà cả nhà ấy chưa có hạt gạo nào để nấu cơm, cô bé Hương đã chạy về nhà, lén mẹ lấy ít gạo túm vào áo để mang sang tặng hàng xóm. Rồi dù mồ côi cha từ năm 12 tuổi, mẹ lại vào chùa tu, bà Hương và các chị phải đi bán từng củ khoai để kiếm sống, nhưng mỗi lần gặp người khó khăn hơn mình là bà lại sẵn lòng giúp.
Không chỉ tất bật cùng công việc thiện nguyện, với vai trò Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ cựu chiến binh phường, bà Hương cùng chồng còn làm rất nhiều việc để tri ân cũng như giúp các cựu chiến binh, thương binh được ấm lòng.
“Vợ chồng tôi được bình an trở về sau chiến tranh là nhờ sự hy sinh của rất nhiều anh hùng. Thời bình, mình còn sức làm được gì để đồng đội vui, bớt vất vả thì mình làm”, bà bộc bạch.
Từ suy nghĩ ấy, vào các dịp lễ kỷ niệm, vợ chồng bà Hương lại nấu bữa tiệc và mời các cựu chiến binh họp mặt. Bà cũng trích phần tiền tiết kiệm của mình để thăm hỏi, tặng quà, chăm lo các gia đình cựu chiến binh hoàn cảnh khó khăn.
Sau tất cả những việc đã làm, nếu có ai khen tặng, bà Hương chỉ nói: “Mình là lính Cụ Hồ, phải học tập Bác cách sống giản dị, yêu thương đồng bào”.
Nhắc đến bà Hương, mọi người lại nhớ đến buổi mừng thọ Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Năm (98 tuổi). Một lần đến thăm, nghe mẹ nói chưa một lần được tổ chức tiệc sinh nhật, vậy là bà Hương lên kế hoạch mừng thọ mẹ với bánh kem và vài bàn tiệc. “Lần đó nhìn má Năm hạnh phúc, cười rất tươi, tôi thấy mình cũng hạnh phúc vô cùng”, bà Hương nhớ lại. |