Minh bạch trước khi đề xuất tăng giá bán điện


Bộ Công thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn tất quy trình kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Theo đó, sau đợt kiểm tra này, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hòa - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019. Cần nhớ, đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là ngày 1-12-2017 với mỗi kWh điện tăng lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT) cũng đã khiến cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng “dậy sóng” vì giá cả “té nước theo mưa”, leo thang chóng mặt.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, nguyên nhân phải xem xét tăng giá điện là do tổng chi phí phát sinh của EVN cộng dồn cả năm 2018 và 2019 vượt gần 21.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng (gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ). Qua năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 là 3.516 tỷ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng; do đó, tổng chi phí đội lên cả năm là 15.252 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng.

Đây là những thông số đầu vào cơ bản được xem xét để điều chỉnh giá bán lẻ điện. Liên quan đến nguồn cung điện trong thời gian tới, EVN cho biết với tốc độ tăng nhu cầu điện như hiện nay là 10%/năm, trong khi tốc độ nguồn điện chỉ tăng từ 4.000MW đến 5.000MW nên việc đáp ứng nhu cầu điện trong năm 2019 rất khó khăn. Do đó, giải pháp trước mắt, từ nay đến năm 2020, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, nhất là khu vực phía Nam; bảo đảm cung cấp đủ khí cho phát điện, sớm có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào, tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc ở phía Bắc theo phương án cách ly lưới điện. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các dự án điện mặt trời thuận lợi về đấu nối và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; tập trung đầu tư công trình lưới điện 220-110kV để đấu nối truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, ngành điện xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của EVN là khó cân đối nguồn tài chính cho sản xuất lẫn đầu tư dự án điện. 

Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, năm 2019 kiềm chế lạm phát sẽ là áp lực lớn cho Chính phủ trong việc cân đối thu - chi. Tuy nhiên, nếu sử dụng các biện pháp hành chính sẽ để lại những hậu quả khó lường trong dài hạn như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Do vậy, cần lưu ý rà soát chi phí giá thành của giá điện, minh bạch, công khai cho người dân về giá đầu vào của điện, trước khi đề xuất tăng giá. Bởi lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng luôn nghi ngờ hoạt động kinh doanh của EVN. Trong khi đó, dù EVN luôn than khó và báo cáo lỗ, nhưng các con số về tinh giản biên chế và cải thiện các khoản chi thường xuyên đạt được hiệu quả đến đâu vẫn còn là một ẩn số chưa bao giờ được công khai đầy đủ.

Tin cùng chuyên mục