Minh bạch thông tin kinh doanh của các đầu mối xăng dầu

Nguồn cung xăng dầu trong nước những ngày qua có hiện tượng… không bình thường khi Bộ Công thương khẳng định, từ nay đến cuối năm cung xăng dầu không hề thiếu nhưng nhiều cây xăng vẫn đóng cửa với lý do hết hàng. 
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nói không bình thường bởi ngay khi thế giới khan hiếm nhất về nguồn cung (quý 1 và đầu quý 2) chúng ta vẫn đảm bảo đủ xăng dầu cho tiêu dùng. Trong khi 2 tháng trở lại đây, các nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn đảm bảo đủ 72% và cam kết thời gian còn lại của năm 2022 sẽ đảm bảo đủ 80% nhu cầu trong nước.

Như vậy, chỉ có 20%-28% là nhập khẩu. Ngoài ra, giá dầu thế giới vừa qua đã giảm mạnh, cung tăng và Chính phủ cũng giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu (từ 20%-25% xuống còn 10%).

Mặc dù Bộ Công thương đã công khai các thông số cấu thành, nhưng trên thực tế, để tính đúng, tính đủ giá bán đến người tiêu dùng, ngay cả các chuyên gia cũng khó biết rõ cách tính các mức trích lập và vận hành Quỹ Bình ổn giá, giá cơ sở, giá nhập khẩu, chi phí, chiết khấu…

Tiếp đến, thời gian điều hành giá cũng đang bộc lộ những bất hợp lý. Trước đây, giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày/lần. Để giúp giá xăng dầu trong nước bám sát hơn thị trường thế giới, kể từ đầu năm 2022, việc điều chỉnh rút còn 10 ngày/lần (ngày 1, 11 và 21 hàng tháng). Nhưng, Nghị định 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu) lại quy định, nếu trùng vào ngày nghỉ, lễ thì lùi đến ngày sau kỳ nghỉ, lễ hoặc lùi đến kỳ điều hành tiếp theo (nếu trùng vào Tết Nguyên đán). Đây có thể là nguyên nhân chính gây hỗn loạn thị trường những ngày qua, bởi doanh nghiệp dự báo giá xăng dầu sắp tới tăng trở lại nên có động thái găm hàng, ém hàng chờ giá cao.

Trong khi đó, cơ quan điều hành không điều chỉnh giá bán vào ngày 1-9 như thường lệ mà lùi tới ngày 5-9. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới gần đây tăng trở lại, độ trễ do chậm điều chỉnh giá 4-5 ngày sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Vô hình trung, hành vi ém hàng lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vì tạo sự thiếu “ảo”. Tình trạng này không phải lần đầu tiên mà đã xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán 2022 khi liên bộ Công thương - Tài chính lùi kỳ điều hành giá sau tết, kéo dài đến 20 ngày thay vì 10 ngày. Điều đó khiến thị trường hỗn loạn, nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển nghỉ bán, hết xăng, nhưng đến khi có điều chỉnh giá mới, các cửa hàng, đại lý này lại lập tức đủ hàng để bán ngay.

Vì vậy, lần này dư luận cũng cho rằng, việc thiếu xăng dầu là “ảo”, có dấu hiệu cố tình găm hàng. Thiếu sót ở đây là cơ quan quản lý đã không lường được tình huống để vào cuộc, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn từ sớm. Việc Bộ trưởng Bộ Công thương vừa chỉ đạo lập 3 đoàn công tác để truy gốc rễ của hiện tượng thiếu nguồn cung được coi là khá muộn, không khác nào có lửa mới đi chữa cháy.

Để thị trường xăng dầu hỗn loạn nguồn cung như hiện nay, cơ quan quản lý phải xem lại trách nhiệm điều hành và cần chủ động đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn để làm lành mạnh thị trường. Chẳng hạn, có thể nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh lại thời gian điều hành giá xăng dầu kịp thời, bám sát giá thị trường hơn; yêu cầu minh bạch thông tin kinh doanh của các đầu mối; xem xét lại tính hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá (có thể tạm dừng); kiểm tra cơ chế chiết khấu… Đồng thời, bỏ các quy định làm khó thị trường, trong đó có quy định mỗi doanh nghiệp bán lẻ chỉ được nhập hàng từ một đầu mối (khi đầu mối hết hàng, các đại lý không thể lấy từ nguồn khác).

Quan trọng nhất, cơ quan điều hành phải dự báo được các kịch bản của thị trường để kịp thời có hành động hoặc công cụ phòng ngừa từ trước. Nếu không, tình trạng “thiếu ảo” xăng dầu sẽ còn tiếp tục tái diễn.

Tin cùng chuyên mục