Tăng trưởng nhanh nhưng thiếu ổn định
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách và giải pháp phát triển thị trường vốn thời gian qua đã được quan tâm để hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường vốn minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh đầu tư và huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2016-2021, thị trường vốn đã có bước phát triển nhanh, theo đúng định hướng. Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, đến cuối quý 1-2022 thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP và quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4-2022, thị trường chứng khoán có nhiều đợt điều chỉnh, trong đó nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) giảm mạnh; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp BĐS tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập.
Đối với lĩnh vực BĐS, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá BĐS, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021, đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5%-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15%-20%; giá đất nền tăng 20%-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đẩy mạnh minh bạch thay vì siết chặt
Các chuyên gia đánh giá, phát triển thị trường vốn và thị trường BĐS là những nội dung quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Muốn 2 thị trường này phát triển bền vững, vấn đề quan trọng nhất là phải tập trung các giải pháp để đẩy mạnh minh bạch thay vì siết chặt.
Hiến kế phát triển thị trường BĐS, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup, cho rằng, xu hướng kiểm soát tín dụng đối với doanh nghiệp BĐS là đúng nhưng không phải là giải pháp bền vững để lành mạnh hóa thị trường. Dẫn số liệu của Fiin Group khảo sát từ 54 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm 31% cơ cấu nợ của doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn nguồn vốn doanh nghiệp huy động được là từ hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp khác hoặc tiền trả trước của khách hàng.
Mặt khác, trong khi tín dụng ngân hàng dành cho BĐS năm 2021 chỉ 700.000 tỷ đồng, còn nguồn vốn đến từ người mua nhà gần gấp đôi, trên 1,3 triệu tỷ đồng. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh và chậm trễ phê duyệt pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ tiền trả trước của người mua. Do đó, các doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn thấp, khiến áp lực đáo hạn trái phiếu thêm nặng nề với 63% giá trị trái phiếu tính đến cuối tháng 4-2022 sẽ đáo hạn vào 2024. “Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn hiệu quả hơn, trên cơ sở đảm bảo lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư cá nhân”, ông Thuân đề nghị.
Về giải pháp phát triển thị trường chứng khoán ổn định, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tăng cường tính minh bạch, phát triển ổn định và bền vững. Trước mắt, sẽ chỉ đạo và phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán xây dựng và đưa vào hoạt động sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, đẩy mạnh công tác giám sát việc sử dụng vốn và thực hiện công bố thông tin theo quy định. “Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, bao gồm phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và quy định về xử lý trên thị trường”, ông Sơn cho hay.
Đồng chí Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM: TPHCM là trung tâm tài chính của Việt Nam |