Giám sát bằng “mắt thần”
Các trung tâm SHLX trên địa bàn thành phố đang xúc tiến các bước chuẩn bị để triển khai thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát trực tuyến công tác SHLX.
Không những thế, việc giám sát trực tuyến bằng camera này còn được kết nối trực tiếp đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến mỗi trung tâm SHLX sẽ phải trang bị camera giám sát toàn cảnh các kỳ SHLX. Các vị trí được lắp đặt camera là phòng sát hạch lý thuyết lẫn trên sân thi thực hành.
Yêu cầu đặt ra là tại phòng sát hạch lý thuyết, camera phải đảm bảo quan sát được toàn bộ phòng, không bị góc khuất trong khi trên sân thi thực hành, camera phải giám sát đầy đủ các vị trí trọng yếu bao quát hình thi, như tại vị trí xuất phát, vị trí dừng và khởi hành xe trên dốc, vị trí qua vệt bánh xe, vị trí qua ngã tư, vị trí ghép xe vào nơi đỗ xe và các vị trí khác.
Với yêu cầu này, dự kiến mỗi phòng sát hạch lý thuyết cần ít nhất một camera quan sát toàn cảnh phòng thi và một camera quan sát hình ảnh thí sinh ra/vào phòng thi. Tương tự, trên sân sát hạch thực hành, dự kiến cần có một camera quan sát toàn cảnh, có chức năng điều chỉnh quay, quét, phóng to, thu cận cảnh theo yêu cầu.
2 camera giám sát hình ảnh thí sinh lên xe trước khi vào vạch xuất phát thi, 2 camera giám sát lúc thí sinh xuống xe tại vạch kết thúc và một số camera tại các vị trí khác.
Nhận xét về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông Tiến Bộ, nói rằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát các kỳ SHLX sẽ giúp công khai, minh bạch các kỳ thi cũng như giúp nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch tại các cơ sở đào tạo lái xe.
Trong khi đó, theo ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), việc giám sát trực tuyến qua camera đồng thời kết nối trực tiếp đến Tổng cục Đường bộ sẽ giúp các đơn vị chức năng có thêm công cụ quản lý hữu hiệu, trực quan, tập trung.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện, cho biết trước mắt sẽ thí điểm tại các trung tâm SHLX thuộc 4 địa phương là TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Từ kết quả thu được trong thực tế, Tổng cục Đường bộ sẽ tổng hợp, đánh giá trước khi triển khai việc lắp đặt camera giám sát tại các trung tâm SHLX trên cả nước.
Tiếp tục xu thế đổi mới
Việc thí điểm lắp đặt camera giám sát trực tuyến các kỳ SHLX đang được xúc tiến tại thành phố là bước tiến tiếp theo trong xu thế đổi mới, hiện đại hóa quy trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe các loại.
Lịch sử công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã có nhiều cột mốc cách tân đáng chú ý. Có thể nhắc đến một đổi mới tiêu biểu là kết thúc chấm điểm thủ công để chuyển sang chấm hoàn toàn tự động bằng máy cho các kỳ sát hạch lái xe được Bộ Giao thông Vận tải áp dụng trên cả nước từ ngày 1-7-2016.
Nói chính xác hơn, các kỳ sát hạch đối với bằng lái ô tô các loại từ bằng dấu B đến bằng dấu E trước thời điểm 1-7-2016 cũng đã chấm thi tự động phần thi lý thuyết và phần thi sa hình nhưng phần thi đường trường vẫn do giám thị ngồi trên xe chấm trực tiếp, tức chấm thủ công.
Sau thời điểm 1-7-2016, đến lượt phần thi đường trường cũng do máy móc chấm, chính thức chuyển sang chấm thi tự động hoàn toàn tất cả các khâu.
Cụ thể, từ thời điểm đó, phần thi đường trường yêu cầu mỗi thí sinh phải thực hiện bài thi trên đường với cự ly tối thiểu 2km để đánh giá các kỹ năng cần thiết của người lái ô tô qua giao lộ, qua nơi đông người, kỹ năng tăng giảm số…
Theo quy định, thiết bị chấm điểm tự động sẽ chấm điểm hầu hết các lỗi của thí sinh, như: không tắt hoặc không mở đèn signal xin đường, không thắt dây an toàn, đang chạy mà để xe tắt máy…
Tuy nhiên vẫn có một vài lỗi sẽ do giám thị chấm vì máy không chấm được, như lỗi vượt đèn đỏ, lấn làn đường…; lỗi thuộc về xử lý tình huống có thể gây tai nạn; những lỗi do không tuân theo hiệu lệnh của sát hạch viên…
Tương tự, bằng lái mô tô trước thời điểm 1-7-2016 chỉ có phần lý thuyết thi trên máy tính là được chấm tự động trong khi bài thi thực hành do giám thị chấm và từ sau mốc thời gian nêu trên, phần thực hành cũng chuyển sang sát hạch tự động, ngoại trừ vài lỗi máy móc không nhận biết được nên vẫn do giáo viên chấm như lỗi làm đổ xe, lỗi chống chân xuống mặt đường khi đang thực hiện bài thi.