Bộ Giao thông Vận tải đang đưa ra dự thảo lấy ý kiến trình Chính phủ tăng thu phí theo lộ trình đối với nhiều dự án BOT được cho là bị sụt giảm doanh thu, nguy cơ phá vỡ phương án tài chính trở thành nợ xấu. Bình luận về chuyện này, Báo SGGP ngày 12-6 có đăng bài BOT - cần công bằng với người dân. Quan điểm này của bài báo được dư luận đồng tình. Xin góp ý thêm về giải pháp thu phí BOT.
Tình trạng thiếu minh bạch
Nhà đầu tư bỏ vốn ra làm dự án BOT, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ người dân, thì lẽ dĩ nhiên được thu phí để hoàn vốn và có lãi. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều dự án BOT khiến dư luận bức xức bởi thiếu minh bạch, không công khai thu phí, chưa áp dụng thu phí tự động… Người dân không từ chối đóng phí qua trạm, nhưng muốn minh bạch và công bằng.
Thu phí tự động là việc không mới và có hiệu quả tiết kiệm, đã rất phổ biến trên thế giới. Nước ta có cả trăm trạm thu phí BOT, nếu áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Theo tính toán, mỗi lần dừng xe nộp phí làm chậm hành trình 2 - 3 phút, tiêu tốn thêm nhiên liệu khi lưu thông trên cao tốc. Ở nước ta, nếu áp dụng thu phí không dừng sẽ tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa khoảng 2.800 tỷ đồng/năm, tiết kiệm nhiên liệu mỗi lần dừng đậu và tăng tốc trở lại ở trạm thu phí khoảng 233 tỷ đồng/năm, giảm ùn tắc giao thông, giảm nhân sự trực tiếp thu phí... Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể quản lý các giao dịch qua trạm một cách công khai, giám sát được việc thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu.
Thực trạng thiếu minh bạch tại các trạm thu phí BOT được đặt ra từ lâu, cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các chủ đầu tư thu phí tự động không dùng tiền mặt, nhưng việc này được triển khai rất chậm. Theo thống kê, đến nay chỉ mới có 23,4% trong tổng số xe cả nước sử dụng thu phí tự động không dừng. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn càng lãng phí, thiệt hại lớn cho xã hội, khuyến khích sử dụng tiền mặt trong khi chính quyền hướng đến chính phủ điện tử, công nghệ 4.0.
Có nhiều nguyên nhân khiến các trạm thu phí chưa áp dụng công nghệ tự động không dừng, trong đó có công tác quản lý nhà nước. Thử nghĩ trên cả nước có hàng loạt chủ đầu tư, đơn vị được ủy quyền thu phí, nơi này nhìn nơi kia, nơi thì áp dụng công nghệ không dừng, nơi không áp dụng vẫn thu tiền mặt bình thường mà không bị xử lý hay chế tài, thì làm sao công bằng để tất cả các trạm BOT đều phải thu phí tự động?
Hài hòa lợi ích
Khi đã có chủ trương thu phí tự động không dừng, hãy buộc chủ đầu tư thu phí áp dụng công nghệ tự động, sao cho không thể hoặc không có sự tác động của nhân viên và đặc biệt là có thể trích xuất bất cứ lúc nào vì lưu trữ tất cả số liệu, lượt xe, biển số, giá vé, file ảnh, video... Nơi nào chậm áp dụng thu phí tự động không dừng thì bị ngưng thu phí bằng tiền mặt, xử phạt, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để ai cũng có thể theo dõi. Trường hợp chủ đầu tư chần chừ triển khai thiết bị tự động, cơ quan nhà nước có thể sử dụng vốn ngân sách đầu tư vì lợi ích lâu dài, chi phí sẽ khấu trừ trong phương án thu hồi vốn cho chủ đầu tư, hoặc lấy trực tiếp trên doanh thu tại trạm BOT.
Trước đề xuất tăng thu phí theo lộ trình đối với dự án BOT, người dân cần sự minh bạch và công bằng sao cho hài hòa lợi ích. Trước tiên người dân phải được biết, thực hiện vai trò giám sát bằng cách buộc nhà đầu tư công khai doanh số trong ngày trên bảng điện tử tại trạm, hoặc thông tin đại chúng. Người dân là chủ thể chi trả cho các khoản đầu tư, đóng phí qua trạm, nên có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin. Hợp đồng BOT và phương án thu phí hoàn vốn không phải tài liệu mật, nên công bố, công khai. Cũng nên lập các đoàn kiểm tra đếm xe qua trạm trong ngày tại các thời điểm khác nhau để phân tích, so sánh và đánh giá chính xác nguyên nhân giảm doanh thu, lỗi do khách quan hay chủ quan của nhà đầu tư.
Cần kiểm tra việc thu phí ở tất cả các trạm BOT đã và đang hoạt động, để làm rõ thực tế có đúng với nguyên nhân đề xuất tăng thu phí là sụt giảm doanh thu hay không; buộc tổ chức thu phí tự động và sao lưu dữ liệu theo quy định, ngăn chặn các sai phạm nếu có. Nếu phát hiện kê khai, báo cáo không đúng thì xử lý nghiêm. Minh bạch thông tin, tổ chức thu phí tự động, giải quyết xong các tồn tại, có kết luận của cơ quan chức năng, rồi mới tính tới tăng thu phí. Tăng thu phí có thể bằng cách kéo dài thời gian để bù vào phần chênh lệch, chứ không nên tăng mức thu phí BOT, vì sẽ kéo theo tăng chi phí vận chuyển. Chỉ bảo vệ những nhà đầu tư minh bạch, không nên tăng thu phí đại trà.