Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, thậm chí giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan có giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét nên ngày 11-11 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng có công điện yêu cầu Bộ Công thương và các ban ngành liên quan khắc phục ngay tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ từ ngày 12-11. Thế nhưng, thực tế đã không diễn ra như “tối hậu thư” mà Thủ tướng chỉ đạo. Tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn tiếp diễn và vẫn chưa biết đến khi nào kết thúc.
Điều đáng nói là đến nay có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, kèm theo đó là không ít giải pháp, thế nhưng thực trạng vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể. Kết quả, người kinh doanh vẫn tiếp tục than lỗ và không nhập hàng, hoặc nhập về bán cầm chừng; người dân vẫn chưa hết lo lắng với cảnh xếp hàng chờ đổ xăng; trong khi Bộ Công thương vẫn khẳng định xăng dầu không... thiếu! Vì sao có rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, không ít giải pháp được triển khai nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết rốt ráo? Phải chăng vì chúng ta “chẩn đoán” sai dẫn đến “toa thuốc” không hiệu nghiệm?
Cuộc “khủng hoảng” khan hiếm xăng dầu cục bộ hiện nay bản chất là do những nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng tình hình thị trường thế giới, thiếu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu như một số ý kiến nêu ra... hay do cơ chế điều hành không còn phù hợp? Liệu vẫn nên giữ vai trò điều tiết của Nhà nước hay “thả nổi” để thị trường quyết định? Nên giao về một đầu mối Bộ Công thương quản lý hay vẫn giữ cơ chế liên bộ Tài chính - Công thương điều hành như lâu nay? Chưa kể, tầm nhìn vĩ mô cũng như năng lực dự báo, ứng phó trước những thay đổi có thể đến rất đột ngột trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng khó đoán định cũng như nguy cơ về thiên tai, dịch bệnh ngày càng khó lường... của các cơ quan giữ vai trò điều hành mà cụ thể là Bộ Công thương cũng cần được “mổ xẻ” một cách thấu đáo. Tất cả cho thấy, tình trạng khan hiếm xăng dầu thời gian qua, nếu nhìn một cách tích cực, có thể xem là cơ hội để thực hiện một cuộc “đại phẫu” toàn bộ cơ chế điều hành xăng dầu thời gian qua.
Nếu xem xăng dầu như nguồn “máu” để dòng chảy cuộc sống người dân được vận hành liền mạch thì với những gì đang diễn ra, dòng “máu” đang chảy đứt đoạn, thậm chí ngưng trệ. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, nếu để kéo dài càng lâu, những hệ lụy từ sự đình trệ, đứt quãng kia sẽ càng khó lường.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, rất nhiều cử tri mong muốn vấn đề trách nhiệm để xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu kéo dài thời gian qua tiếp tục được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự. Đó không chỉ là trách nhiệm về một giải pháp tổng thể nhằm chấm dứt những sự cố như trên đối với mặt hàng quan trọng như xăng dầu mà còn cả trách nhiệm chính trị của người đứng đầu một số bộ ngành.
Sòng phẳng và minh bạch, đó cũng là trách nhiệm!