Gỡ bất cập cũ và tăng cơ hội đầu tư mới
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết, tính từ đầu năm đến nay, thu hút FDI của TPHCM đạt trên 3 tỷ USD. Trong đó, dẫn đầu là các nhà đầu tư từ Singapore với tỷ trọng vốn góp chiếm 43,4%. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, British Virgin Island… cũng là những quốc gia có nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại TPHCM.
Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, cho biết thêm, hiện Nhật Bản có 1.657 dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố với tổng vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nổi lên những vướng mắc mà doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nói chung đã và đang gặp phải là thuế, hải quan, pháp luật lao động và môi trường, đời sống của các doanh nghiệp. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đã chi tiết thành 25 ý kiến cần tháo gỡ để gửi đến UBND TPHCM đề xuất giải quyết.
“Đơn cử, Công ty Nipro Vietnam muốn đầu tư mở rộng nhà máy tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Thế nhưng, thủ tục cấp phép bổ sung buộc doanh nghiệp phải có quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 quá phức tạp, khó khăn. Mặc dù công ty đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê đất theo thỏa thuận cho Khu Công nghệ cao nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, dẫn giải.
Nhiều doanh nghiệp FDI cũng đề nghị thành phố sớm cải thiện cơ sở hạ tầng và cách vận hành Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, cần áp dụng công nghệ kiểm soát tự động để giảm thời gian chờ đợi khi thông quan xuất nhập cảnh. Những vấn đề khác liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, việc xem xét lại giới hạn trần về số giờ làm thêm, giấy phép lao động và “di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp”… cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
Ở góc độ khác, các doanh nghiệp FDI cho rằng, Nghị quyết 98 của thành phố vừa được thông qua là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều lĩnh vực của thành phố. Do vậy, doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ minh bạch danh mục dự án cũng như chính sách thu hút đầu tư đi kèm để thúc đẩy tham gia đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.
Tối ưu hóa thuận lợi cho nhà đầu tư
Trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp FDI, ông Phạm Trung Kiên cho biết, thành phố có 15 ngành công nghiệp đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tùy theo lĩnh vực cụ thể của ngành mà phân chia dự án thu hút trong ngắn, trung hoặc dài hạn. Đồng thời, thành phố đã quy hoạch và xây dựng 17 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 6.000ha làm điểm đến cho doanh nghiệp. Những khu chế xuất, khu công nghiệp này đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng chuyên ngành hơn, đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa hoạt động cho các chuỗi cung ứng toàn cầu khi dịch chuyển đến Việt Nam.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, chính quyền thành phố cam kết luôn đồng hành, cùng vượt khó để cùng thành công với các cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thành phố kiên quyết không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA…) và các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị sẽ được ưu tiên.
Thành phố cũng sẽ giải quyết nhanh những vấn đề tồn đọng của hệ thống metro để có thể đưa vào hoạt động từ tháng 7-2024. Tiếp đó là thúc đẩy đầu tư mạng lưới 200km metro còn lại. Đây là nền tảng cơ sở để cải thiện tình trạng giao thông trên địa bàn thành phố. Những vấn đề đầu tư hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, khí thải…, thành phố sẽ sớm hoàn thành từ nay đến 2030. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng số, công nghệ hỗ trợ công nghệ cao, sinh học, dược phẩm… đang có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội.
Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi đã thông tin thêm về việc tái cơ cấu toàn bộ hoạt động kinh tế thành phố. Thành phố mở rộng hợp tác liên kết vùng, kết hợp chuyển tải một số ngành không phù hợp ra khỏi thành phố để tạo dư địa thu hút thêm ngành công nghiệp có lợi thế tiềm năng phát triển kinh tế cho thành phố. Trong ngắn hạn, sự chuyển đổi này sẽ chưa phát huy tác dụng rõ rệt, nhưng về lâu dài có thể tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức 8%/năm. Ngoài ra, với sự mở rộng liên kết vùng, doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội khai thác thị trường rộng lớn hơn. Do vậy, các nhà đầu tư FDI cũng cần xem xét để sớm tham gia.
TPHCM nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, nhấn mạnh, thành phố luôn nỗ lực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện nay, thành phố đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, chương trình nhà ở; cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng… để tạo nền tảng phát triển bền vững. Song song đó, tập trung cải cách hành chính, giải quyết từng vấn đề doanh nghiệp quan tâm, như giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép đầu tư, xây dựng…
54,3% doanh nghiệp Nhật Bản đạt lợi nhuận dương
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết, có đến 54,3% doanh nghiệp đạt lợi nhuận dương trong năm 2023. Dự báo trong năm 2024 thì 50,4% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận sẽ “cải thiện”, 8,3% doanh nghiệp cho rằng sẽ “xấu đi” so với năm 2023.
Cơ sở để doanh nghiệp Nhật Bản dự báo lợi nhuận kinh doanh cải thiện là “Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu tăng” đối với ngành chế tạo và “Nhu cầu tại thị trường nội địa tăng” đối với ngành phi chế tạo. Ngoài ra, nỗ lực của doanh nghiệp trong “cải thiện năng suất”, “cắt giảm chi phí” cũng đem lại những lợi thế doanh thu cho doanh nghiệp. Từ thực tế đó, 56,7% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong 2 năm tới.