Những di vật từ lòng giếng sâu
2.113 bộ hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở khu tam giác sắt Củ Chi - Bến Cát - Trảng Bàng, nơi chiến trường ác liệt năm xưa. Việc tìm thấy là công sức và tấm lòng của hàng trăm người trong các đội tìm kiếm, của chính quyền và bà con địa phương, đặc biệt là của bác sĩ Trần Văn Bản - người chiến sĩ Tiểu đoàn Cát Bi năm xưa.
Đã hơn 20 năm trôi qua, chúng tôi vẫn không sao quên được tâm trạng bồi hồi xúc động khi nhìn thấy những di vật đầu tiên được đội tìm kiếm đưa từ lòng giếng sâu lên mặt đất. Đó là những kỷ vật cuối cùng của những liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968. Một tấm vải dù, cái kẹp tóc, mũ tai bèo, khăn rằn, bộ đồ bà ba đen, áo lót nữ, một hộp bút, túi kim chỉ may, chai dầu thơm và đặc biệt là chiếc đồng hồ dây da mà trên mặt đồng hồ cây kim vẫn còn dừng lại ở thời khắc 11giờ 15 phút. Tât cả các di vật ấy hiện đang được đặt trang trọng trong tủ kính của Phòng trưng bày Đền tưởng niệm quân dân y xã Phú Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM).
Các di vật đó được tìm thấy trong cuộc tìm kiếm vào tháng 5-1994 tại khu vực phường 15 (quận Tân Bình) do bác sĩ Trần Văn Bản (lúc ấy là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Tân Bình) chủ trì, với sự phối hợp của Phòng LĐTB-XH quận và anh em dân quân phường 15. Thông tin về một liệt sĩ hy sinh ngay tại phường 15, hài cốt vẫn còn nằm sâu dưới lòng giếng, chưa được đưa lên để được mồ yên mả đẹp đã làm bác sĩ Bản không nguôi ray rứt. Qua người dân địa phương, bác sĩ Bản biết thêm ở khu vực này còn nhiều giếng sâu mà dưới đó có nhiều hài cốt liệt sĩ. Được sự cho phép của địa phương, bác sĩ Bản đã tổ chức tìm kiếm trong nhiều ngày và quy tập được 43 hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.
Hài cốt đầu tiên được đưa lên khỏi lòng giếng là liệt sĩ Phan Hưng Khánh, quê xã Tân Sơn Nhì. Liệt sĩ Khánh bị địch xử bắn ngay tại ngã ba Bà Quẹo, trước mặt nhiều người thân trong gia đình, xác anh bị quăng xuống một cái giếng sâu. Để không ai lấy được xác, địch buộc chặt thi hài liệt sĩ bằng 3 vòng dây dù đen rồi cài chặt xác bằng tấm vĩ sắt, sau đó ném gạch đá xuống giếng. Sau ngày giải phóng, anh của liệt sĩ Khánh tổ chức khai quật tìm hài cốt em trai, nhưng nhiều lần đào bới vẫn không tìm được, gia đình đành xây tạm ngôi miếu nhỏ ngay tại nơi chôn xác liệt sĩ để thờ. Phải kiên trì thuyết phục, bác sĩ Bản mới được gia đình liệt sĩ Khánh cho phép dời miếu thờ để dò tìm. Sau mấy ngày đào bới, anh em đã đưa được hài cốt liệt sĩ Khánh lên trước sự xúc động biết ơn của gia đình. Từ việc tìm kiếm thành công hài cốt liệt sĩ Khánh, người dân địa phương đã cung cấp thêm giếng này, giếng kia có hài cốt. Ngay tại giếng thứ hai, anh em tìm được 7 bộ hài cốt và trong 13 cái giếng khai quật đợt này, đội tìm kiếm đã đưa lên được 43 bộ hài cốt.
Cuộc hành trình vạn dặm
Tôi gặp lại bác sĩ Trần Văn Bản khi ông vừa trở về sau chuyến tìm kiếm hài cốt đồng đội tại chiến trường xưa - xã Gia Lộc (Trảng Bàng, Tây Ninh). Ông nói giọng buồn thiu: “Vẫn chưa tìm thêm được người nào!”. Trong rất nhiều nấm mộ khai quật, người ta tìm thấy những lọ Penicilin, bên trong còn nguyên mảnh giấy ghi chép thông tin về liệt sĩ, nhờ đó, hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được xác định họ tên, quê quán để đưa về gia đình. Hồi chiến tranh, mỗi khi chôn cất liệt sĩ, bác sĩ Trần Văn Bản luôn chu đáo lấy một lọ Penicilin đựng tờ giấy ghi họ tên, quê quán liệt sĩ, cho vào miệng liệt sĩ trước khi chôn cất, để sau này hài cốt không bị thất lạc. Trong nhiều quyển sổ ghi chép chi tiết về những cuộc tìm kiếm liệt sĩ mà bác sĩ Bản quý như báu vật, chúng tôi đọc thấy những dòng nhật ký, những sơ đồ chỉ địa điểm nơi có hài cốt liệt sĩ, ghi rất tỉ mỉ: “Ngày 14-6-1997, 9 giờ 30 lấy được hài cốt số 17. 10 giờ lấy lên hài cốt số 18. 10 giờ 30 lấy lên được hài cốt số 19 là nữ, gói bằng chiếc võng bạc trắng, bên ngoài gói bằng ny lông xanh đen. Hài cốt mặc áo bà ba đen, cổ trái tim, tóc dài vẫn còn, trong búi tóc có cây kẹp ba lá, hộp sọ vỡ, có một chiếc nhẫn vàng 24 khoảng 5 phân, mang hiệu Mỹ Kim 7”.
Qua hàng chục năm ròng kiên trì tìm kiếm, số hài cốt được bác sĩ Bản quy tập ngày càng nhiều, nhưng trong số gần 40 chiến sĩ Tiểu đoàn Cát Bi cùng bác sĩ Bản dự lễ xuất quân tại núi rừng Yên Tử ngày 16-11-1967 năm xưa vẫn còn nhiều đồng đội đã hy sinh chưa được tìm thấy hài cốt. Những kỷ niệm vui buồn với đồng đội và những lời trăn trối của liệt sĩ trước khi mất vẫn cứ ám ảnh: “Bản ơi, nếu mày còn sống, nhớ mang xác tao về cho mẹ tao. Tao thương mẹ lắm!”; “Nhớ nghe Bản, tao còn mẹ già, em dại, mày phải đưa xác tao về quê hương!”... Chính vì những lời căn dặn đau thắt tim như vậy mà bác sĩ Bản dù đã vào tuổi cổ lai hy vẫn tiếp tục cuộc hành trình vạn dặm đi tìm đồng đội.