Hỏi: Trong Tuần san SGGP Thứ Bảy ra ngày 6-11-2004, PGS. TS Lê Trung Hoa đã trả lời về địa danh Miệt Thứ. Có 4 điểm tôi chưa nhất trí:
1. Miệt không phải do “miền” mà ra. Miệt là vùng đất lớn chứ chẳng phải “không lớn lắm”.
2. Chỉ có tỉnh Kiên Giang mới có 2 vùng được gọi Miệt Thứ, nếu tôi không lầm.
3. Miệt Thứ thứ nhất có 12 con rạch, Miệt Thứ thứ hai có 10 con rạch chứ không phải 9 và 11 như ông khẳng định.
4. Gọi rạch Thứ Hai chứ không gọi rạch Thứ Nhì.
Lâm Nghĩa Sỹ (Văn phòng Tỉnh ủy Kiên Giang)
Vì hiện nay chưa ai xác định được nguồn gốc của từ “miệt” mà hai từ “miền” và “miệt” rất gần âm, gần nghĩa nên tôi cũng dè dặt viết “có lẽ” chứ không khẳng định dứt khoát. Rõ ràng “miệt” nhỏ hơn “miền” nên ta không thể nói miệt Bắc, miệt Trung mà phải nói miền Bắc, miền Trung. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên cũng giải nghĩa: “Miệt: vùng, miền không lớn lắm”.
Để trả lời 3 câu hỏi sau, tôi xin nêu nguồn tư liệu mà tôi đã dựa vào đó để trả lời. Trong cuốn Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ (tr. 26) của Bùi Đức Tịnh, có viết:
“Thứ: Danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhất, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba… cho đến Thứ Chín.
Cũng cần phân biệt vùng có chín con rạch này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là “Miệt Thứ” thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đó là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh dẫn vào rừng để lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12".
Thật tình tôi chưa đến Miệt Thứ lần nào còn bạn là người địa phương nên có thể bạn nói đúng và tài liệu của ông Bùi Đức Tịnh có thể chưa chính xác. Chúng tôi xin cảm ơn bạn đã nêu những thông tin trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề này.
PGS.TS Lê Trung Hoa