Tại Thanh Hóa, các đơn vị đã hoàn tất xét nghiệm Covid-19 cho các hộ dân nằm trong diện có nguy cơ cao phải sơ tán khi bão số 5 đổ bộ trước 18 giờ ngày 10-9. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã yêu cầu tổ chức sơ tán dân thật sớm, trước khi bão đổ bộ, nhưng phải tuân thủ nghiêm “5K” và các quy định phòng chống dịch.
Tại Nghệ An, trong ngày tỉnh đã huy động nhiều lực lượng cùng với người dân khẩn trương thu hoạch 16.00ha lúa hè thu còn lại.
Tại Hà Tĩnh, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, hiện có 25 tàu cá quê ở tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định với 82 ngư dân vào neo đậu tại Cửa Sót (huyện Lộc Hà) để tránh bão. Lực lượng chức năng đã bố trí cho các tàu ngoại tỉnh neo đậu khu vực riêng và test nhanh Covid-19 miễn phí cho các ngư dân này. Trong ngày 10-9, lực lượng quân sự, công an, chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xuống đồng hỗ trợ bà con thu hoạch lúa hè thu; tổ chức chằng néo nhà cửa, trường học... Hiện Hà Tĩnh đã thu hoạch trên 38.250 trong tổng số gần 45.000ha lúa hè thu (đạt 95%).
Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 5. Trong công điện, Bộ Y tế nêu rõ trong trường hợp phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đề nghị Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán: Test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán. |
Tại Quảng Bình, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều gia đình ở khu vực ven biển phải đi cách ly do mắc Covid-19, nên tỉnh đã chỉ đạo các địa phương lập đội xung kích cấp xã… bảo vệ tài sản của người dân.
Tại Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh này cho biết, tất cả tàu thuyền đánh bắt xa bờ và một số tàu thuyền từ các địa phương vùng dịch vào tránh trú bão đều xét nghiệm Covid-19 và đưa đi cách ly tập trung. Tài sản trên tàu được lực lượng chức năng kiểm tra, bảo vệ. Hiện Quảng Trị có gần 4.000 hộ dân với gần 16.000 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông.
Tại Thừa Thiên - Huế, trong ngày 10-9, người dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (huyện Phong Điền) tranh thủ thu hoạch. Cùng ngày, lực lượng chức năng của tỉnh tập trung hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa, kéo tàu thuyền lên những khu vực cao ráo, cấp phát lương thực, nước uống… Các khu cách ly y tế đang cách ly, điều trị cho các trường hợp F0, F1 là những cơ sở kiên cố và có lực lượng quân đội, công an phụ trách, quản lý nên đảm bảo an toàn.
Tại Đà Nẵng, nhiều ngư dân đã được tạo điều kiện để xuống biển thu dọn ngư lưới cụ, neo đậu tàu thuyền. Lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ, biên phòng có mặt từ sớm, hỗ trợ ngư dân đưa thuyền thúng lên sát mặt đường. Đối với các chốt kiểm dịch ra vào TP Đà Nẵng, lực lượng địa phương chủ động mượn container làm nơi trú ẩn khi bão đến. Bên cạnh đó, trong thời gian trước và sau thời điểm bão đổ bộ 6 giờ, các chốt kiểm soát dịch trên toàn TP Đà Nẵng tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn.
Chiều 10-9, ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho hay, có 97 người dân dộc thiểu số ở nhiều địa phương (Quảng Ngãi, Kon Tum, Nghệ An...) bị mắc kẹt trong rừng thuộc địa bàn xã hơn hai tháng nay. Trước khi bão số 5 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, xã Hòa Bắc đang bàn phương đưa 97 người này đến nơi trú tránh an toàn.
Theo thông tin từ Phòng Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng, đến 17 giờ 30 chiều 10-9, lực lượng biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã phối hợp với các địa phương, hướng dẫn cho 71.500 phương tiện (349.088 người) biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 5 để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Sáng hoặc trưa 12-9, bão đổ bộ vào đất liền
|