Các nhà khoa học cho biết, vị trí xảy ra động đất nằm ở khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, nơi xảy ra 28 trận động đất trong tháng 8-2022 (tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong, Kon Tum). Trước đó, ngày 27-8, một trận động đất khác có độ lớn 3 độ richter đã xảy ra tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trước đó, trận động đất có độ lớn 4,7 độ richter vào ngày 23-8 ở Kon Plong đã gây dư chấn rung lắc mạnh tới Quảng Nam, Đà Nẵng.
TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia thuộc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, cho biết, các vụ động đất xảy ra tại Quảng Nam những năm trước được xác định do động đất kích thích từ hoạt động của các hồ chứa thủy điện. Các vụ động đất gần đây tại huyện Kon Plong, Kon Tum cũng có nguyên nhân tương tự. Riêng vụ động đất tại Quảng Ngãi, ngành chức năng đang điều tra, nghiên cứu, tìm nguyên nhân cụ thể.
Quảng Ngãi là tỉnh có mật độ dự án thủy điện ở mức cao, với 33 dự án, tổng công suất thiết kế được duyệt gần 660MW. Trong đó, 12 dự án đã vận hành, 12 dự án đang thi công, dự kiến cuối năm 2022 sẽ có 4 thủy điện hoàn thành, phát điện. Các dự án thủy điện tập trung nhiều ở huyện Sơn Tây (9 dự án), huyện Sơn Hà (7 dự án), huyện Ba Tơ (5 dự án), còn lại ở các huyện Trà Bồng và Minh Long.
Theo PGS-TS Cao Đình Triều, chuyên gia về động đất, các trận động đất ở Kon Tum hoặc các địa phương khác trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên có thể coi là sự tái diễn như động đất kích thích ở thủy điện sông Tranh 2 (bắt đầu từ năm 2012, kéo dài đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống và lo lắng cho người dân ở 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam) trong thời gian dài. Trước thực tế ngày càng có nhiều dự án thủy điện xây dựng, nguy cơ động đất trong các tháng tới, thậm chí các năm tới là khó tránh khỏi.