Bất lực nhìn ruộng đồng tan hoang
Trời vừa ngớt mưa, vợ chồng ông Hồ Văn Xuyên (thôn 4, xã Phước thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) vác cuốc đi tìm ruộng. Hai vợ chồng loay hoay mãi không biết 10 sào ruộng của mình nằm ở vị trí nào và cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Ông Xuyên thẫn thờ ngồi bệt xuống đất, nói trong nước mắt: “Ừ! Chắc không làm được nữa, cát lấp như thế này thì ai múc cho hết. Ruộng lúa của gia đình tôi bị lấp sâu gần cả mét, vụ này đành phải bỏ thôi. Giờ cái ăn, cái mặc còn khó, lấy đâu ra tiền thuê xe múc, xe ủi”. Bên dòng sông Đăk Mét, lũ trẻ đang đá bóng, chơi đùa trên một bãi bồi rộng bạt ngàn. Mới nhìn, ai cũng tưởng đây là bãi cát bồi rộng đẹp như sân bóng. Chủ tịch xã Phước Thành Hồ Văn Phức nói: “Không phải sân bóng đâu, vị trí này là hàng chục hécta lúa nước của người dân bị vùi lấp sau bão lũ. Giờ bà con mất hết đất sản xuất rồi”.
Ngược ra các tỉnh Bắc miền Trung, đi đến địa phương nào, chúng tôi cũng nghe bà con nông dân than vì ruộng đồng bị sa bồi, thủy phá. Dắt trâu đi trên bãi đất cát, đá sỏi ngổn ngang, bà Nguyễn Thị Tý (thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) buồn bã cho biết, khu vực này là khe Vũng Đá, nằm gần chân núi Lê Lê. Trước kia là đồng ruộng màu mỡ nhưng nay đã bị đất cát, đá sỏi sạt lở san phẳng hoàn toàn, người dân trong thôn không thể tiếp tục cải tạo, sản xuất vụ xuân và các vụ mùa khác chắc cũng sẽ bỏ hoang. “Gia đình tôi làm 2 sào ruộng ở khe Vũng Đá và khe Nàng Hai, hàng năm sản xuất 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, nhưng hiện cả 2 sào ruộng này đều bị bồi lấp trên 1m. Người dân chúng tôi tích góp chút đỉnh từ lúa, nay ruộng mất hết rồi không biết lấy gì mà sống trong những tháng tới. Mong nhà nước hỗ trợ kinh phí để thuê máy móc cào bóc, vận chuyển, giải phóng toàn bộ số đất cát, đá sỏi này đi nơi khác, trả lại mặt bằng ruộng để khôi phục sản xuất. Chứ khối lượng vùi lấp quá lớn như thế này thì người dân chúng tôi không thể nào làm được”, bà Tý đưa cánh tay áo lau nước mắt, nói.
Vừa lo từng bữa ăn sau khi tài sản, lương thực bị lũ làm hư hỏng, cuốn trôi hết, gia đình anh Hồ Văn Rào (thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) còn phải sống trong lo âu bởi ngọn đồi phía sau nhà có thể sạt bất cứ lúc nào. Ngồi phơi 2 bao lúa ẩm mốc trước sân, anh Rào thở dài: “Đây là số lúa dự trữ còn lại của gia đình từ vụ mùa trước, giờ đem ra phơi xem có còn dùng được không, chứ gần 1ha rẫy trồng sắn cùng hơn 3 sào trồng lúa của gia đình tôi đã bị vùi lấp dày cả mét. Nhà hảo tâm, nhà nước cũng chỉ hỗ trợ tạm thời chứ về lâu dài không còn đất, ruộng, chúng tôi không biết phải sống ra sao”.
Cần nguồn lực từ Trung ương
Xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) có hơn 192ha trồng lúa nước, tuy nhiên do ảnh hưởng đợt mưa lũ vừa qua, hơn 90ha đã bị vùi lấp, cuốn trôi, thiệt hại hoàn toàn. Các công trình thủy lợi trên địa bàn bị hư hỏng nặng khiến việc khôi phục sản xuất của người dân sau lũ gặp nhiều khó khăn. Từ một xã nghèo thuộc huyện miền núi, nay người dân đứng trước nguy cơ thiếu đói.
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) Trần Bá Toàn cho biết, toàn huyện Kỳ Anh hiện có 75,1ha đất sản xuất nông nghiệp bị đất cát, đá sỏi trên núi sạt lở tràn xuống vùi lấp nghiêm trọng, không thể cải tạo sản xuất. Huyện sẽ tiến hành kiểm tra diện tích bị vùi lấp mỏng và hỗ trợ kinh phí, huy động lực lượng hỗ trợ người dân đào xúc, san gạt, cải tạo đất để kịp đưa vào tổ chức sản xuất trong vụ xuân năm 2021. Còn lại những vùng bị sạt lở, vùi lấp nặng thì chỉ biết trông chờ vào tỉnh và Trung ương hỗ trợ kinh phí, chứ huyện thì không có khả năng. Vụ mùa này chắc sẽ có nhiều diện tích phải bỏ hoang. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bà con sẽ có nguy cơ thiếu đói trong những tháng tới.
“Trước mắt, huyện đề xuất Bộ NN-PTNT có phương án và chính sách hỗ trợ kinh phí để giúp người dân chuyển đổi nghề, đào tạo giải quyết việc làm hoặc chuyển giao các mô hình kinh tế mới như: nuôi bồ câu, ong, gà, bò… Ngoài ra, huyện và tỉnh cũng đang xây dựng phương án, lập danh sách để trích nguồn kinh phí hỗ trợ gạo cho người dân bị mất đất ruộng không thể cải tạo, khắc phục trong thời gian chờ đợi được hỗ trợ kinh phí cải tạo lại ruộng đất”, ông Toàn nói.
Ở góc độ địa phương chịu nhiều thiệt hại sau bão lũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Tố Trân nêu ý kiến, trước hết đối với Bình Định và các địa phương ở miền Trung cần phải tái thiết nhanh các hạ tầng sản xuất nông nghiệp, như: sửa chữa, khôi phục lại hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng… Đối với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan, cần sớm phân bổ các gói hỗ trợ về kinh phí, giống lúa, hoa màu… để người dân triển khai kịp thời vụ mới. “Theo quan điểm của tôi, đối với các vùng sản xuất bị xói lở, bồi lấp nặng thì trước mắt cần cung cấp lương thực cho bà con để đảm bảo ổn định cuộc sống, cầm cự sang vụ mới. Về lâu dài cần quy hoạch lại những vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị xói lở, bồi lấp để chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, tránh thiệt hại cho bà con mỗi khi bão, lũ ập đến”, bà Trân nói.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, ngày 27-11, tại Quảng Trị, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai năm 2020. Hội nghị sẽ có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo UBND 6 tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Theo thống kê, để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền Trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt rau giống; cùng với đó là 560.000 liều vaccine, 140.000 lít và 105 tấn hóa chất khử trùng. |