Bên cạnh đó, nhiều dự án với danh nghĩa trồng và phục hồi rừng nhưng sau đó “gãy gánh giữa đường”, gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng triệt hạ cây rừng không thương tiếc.
Theo chân một số người dân ở thôn Thanh Sơn (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi trực tiếp thực địa vùng rừng đầu nguồn hồ thủy lợi Huân Phong. Đây là khu vực mà rừng tự nhiên còn sót lại sau dự án trồng rừng KFW6 tại xã Phổ Cường. Hồ thủy lợi Huân Phong trơ đáy giữa trời hạn, bao quanh là diện tích rừng tự nhiên đang bị những khu rừng keo non xâm lấn. Vào sâu trong rừng, những cây sao đen, lim xanh của dự án được trồng cả chục năm nhưng số nhiều còi cọc kém phát triển. Ông Ng.V.T., một chức sắc tại thôn Thanh Sơn, nói: “Nhiều hộ dân tham gia thực hiện dự án trên hàng trăm hécta rừng nhưng bây giờ rất ngao ngán. Bởi để thu hoạch và hưởng lợi từ những cây lim, sao đen thì phải mất 50-60 năm, thậm chí đến đời con cháu của họ chưa chắc thu được”.
Khoảng năm 2006, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi triển khai dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6) tại 3 huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Mục tiêu của dự án là khôi phục và phát triển rừng, bảo vệ đất và nguồn nước, góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương qua việc trồng rừng lim xanh và sao đen. Dự án khi triển khai thì rất rầm rộ, người dân chính quyền hồ hởi vì được hỗ trợ cả cây giống, công trồng và cả công chăm sóc để thực hiện. Tuy nhiên, đến năm 2015 dự án chấm dứt, người dân không còn nhận được tiền hỗ trợ, lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, còn chính quyền thì bó tay.
Ông Trần Nguyên Giang, Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết dự án KFW6 triển khai trên 420ha đất rừng tự nhiên tái phục hồi để giữ chức năng phòng hộ tại các thôn Xuân Thành, Bàn Thạch, Mỹ Trang, Thủy Thạch, Thanh Sơn (xã Phổ Cường). Đến thời điểm này, người dân phá bỏ khoảng 43ha để trồng keo. Mới đây, dự án được cấp trên giao lại cho UBND xã quản lý, nhưng lại không có hồ sơ gì, khiến cho địa phương rất khó khăn. Riêng khu vực rừng đầu nguồn hồ Huân Phong trước đây có 150ha rừng, giờ cũng hao hụt, chỉ còn khoảng 40ha… “Thực ra, ý tưởng của dự án KFW6 ban đầu rất tốt, nhưng do không đánh giá được hiện trạng rừng bản địa nên khi triển khai dự án không đảm bảo được sinh kế cho dân. Vì áp dụng thực tiễn không đúng nên dự án đã phản tác dụng, gây mất nhiều diện tích rừng tự nhiên, để lại nhiều hệ lụy khôn lường về thiên tai, hạn hán cho người dân xã Phổ Cường”, ông Giang chia sẻ.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Đại, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, cho biết do ngay từ đầu không có sự tham gia của kiểm lâm nên bây giờ người dân chặt bỏ, phá đi cũng không thể xử lý được, vì họ đều có sổ đỏ cả rồi. Ngoài ra, hiện toàn bộ hồ sơ, tư liệu liên quan đến dự án đều không biết nằm ở đâu. Những lãnh đạo trước đây thực hiện dự án, giờ đa số đều nghỉ hưu.
Tại tỉnh Quảng Nam, dự án KFW6 triển khai bắt đầu thực hiện tại 3 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và Đại Lộc, giai đoạn 2005-2014, vốn đầu tư gần 52 tỷ đồng (viện trợ của Chính phủ Đức hơn 35,2 tỷ đồng, vốn đối ứng Trung ương hơn 16,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến năm 2015, dự án cũng “gãy gánh”, người dân không còn được hỗ trợ nên tự ý chặt cây đốt thực bì để trồng keo phát triển kinh tế.
Chồng lấn vùng giáp ranh
Sự chồng chéo trong quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất) khiến nhiều cánh rừng trên hồ sơ đã được quy hoạch chức năng phòng hộ nhưng hiện trạng là đất rừng trồng, đất vườn, đất nông nghiệp, kể cả đất ở của người dân. Điều này khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phân chia ranh giới đất rừng.
Cần nhắc lại vụ cháy rừng vào ngày 5-5 vừa qua tại địa phận xã Mà Cooih (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã thiêu cháy hơn 32ha rừng phòng hộ. Vụ cháy được xác định do nhóm hộ ông Phạm Ba (người địa phương) gây ra. Vào năm 2001, nhóm hộ ông Ba nhận khoán có hợp đồng trồng rừng 120,5ha với Công ty Nông lâm sản xuất khẩu Prao. Khu vực mà ông Phạm Ba thuê người đốt, phát rẫy gây cháy lan ra ngoài chính là diện tích rừng phòng hộ nhưng thuộc phạm vi 120,5ha giao cho ông trước đó. Nguyên nhân của sự chồng chéo trong quy hoạch này là năm 2017, khi UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ đã không công bố cho các hộ dân biết. Còn nữa, trong tổng số 36.000ha đất rừng mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang quản lý có hàng trăm gia đình đang canh tác sản xuất và đã sử dụng đất ổn định lâu dài với diện tích khoảng 5.000ha nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bởi diện tích khoảng 5.000ha này đã được UBND tỉnh Quảng Nam quy hoạch là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Tại Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết địa phương dự kiến sẽ tiếp hành tổng rà soát trên 293.500ha diện tích rừng. Việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch đúng theo thực địa sẽ khắc phục triệt để tình trạng “trên hồ sơ thể hiện một đằng, ngoài thực địa một nẻo”. Do vậy, yêu cầu các đơn vị lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp phải tự rà soát những diện tích thuộc phạm vi quản lý, kịp thời bóc tách từng loại rừng cụ thể để thuận tiện cho việc quản lý, sử dụng lâu dài tránh xảy ra các xung đột, tranh chấp… Tuy nhiên, theo ngành chức năng Quảng Trị, việc triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân, do các dự án phát triển kinh tế - xã hội đang đầu tư và phát triển nhanh trong thời gian qua khiến các quy hoạch trước đây không còn phù hợp. Một số quy hoạch về kinh tế - xã hội hiện nay chồng chéo, xung đột với quy hoạch lâm nghiệp.
Gần 13 năm qua, câu chuyện lấn chiếm đất rừng ở vùng giáp ranh giữa thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) tiếp tục không có hồi kết. Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, kể, mọi chuyện bắt nguồn từ hàng chục năm trở về trước. Khi đó, vùng giáp ranh Bình Định - Gia Lai có hàng trăm người dân ở thị xã An Khê khai hoang canh tác, trồng rừng. Tuy nhiên, sau này khi phân chia lại địa giới hành chính (năm 1991) thì diện tích ở Bình Định bị chồng lên vùng canh tác của người dân ở Gia Lai. Diện tích rừng bị chồng được giao lại cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (gọi tắt Công ty Sông Kôn) quản lý. Từ đó đến nay kéo dài hơn 1 thập niên, đôi bên có những cuộc tranh chấp, giằng co. Có thời điểm vùng giáp ranh này trở thành “điểm nóng” nhất của cả nước vì xảy ra các vụ tấn công người thi hành công vụ, đốt trạm bảo vệ rừng, uy hiếp nhân viên bảo vệ rừng…
Nhắc chuyện, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Kôn, ngao ngán: “Có 728ha rừng giáp ranh thị xã An Khê được giao cho chúng tôi quản lý, hiện đang bị người dân ở Gia Lai lấn chiếm canh tác mà hàng chục năm qua giải quyết mãi không được. Trong số diện tích trên có gần 400ha được đơn vị chuyển giao sang UBND huyện Vĩnh Thạnh để huyện giao lại UBND xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) quản lý. Còn lại 320ha, UBND tỉnh Bình Định giao chúng tôi bố trí đất sản xuất cho người dân”.
Tương tự, theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, trên giấy tờ đơn vị quản lý hơn 160ha rừng phòng hộ tại các khoảnh 1, 2 và 4 thuộc tiểu khu 210a. Tuy nhiên, từ lâu diện tích này đã bị một số hộ dân ở xã Tú An (thị xã An Khê) xâm lấn canh tác. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm, hiện đơn vị đang quản lý 32.000ha rừng phòng hộ, nhưng chưa được cấp quyền sử dụng đất, chỉ mang tính chất tạm giao. Chưa hết, có 12.000ha rừng do đơn vị quản lý, nhưng “sổ đỏ” lại đang đứng tên Công ty Sông Kôn. Bây giờ, đơn vị tuy giữ rừng, nhưng tính pháp lý và quyền hạn không có gì cả.