LTS: Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại. Thế nhưng, theo thời gian, rừng tự nhiên tại miền Trung cứ ngày càng thu hẹp. Đó là do: người dân chưa nhận thức đúng đắn về quy hoạch đất rừng hợp lý; đồng bào dân tộc thiểu số duy trì tập tục đốt rừng làm nương rẫy; hoặc một số đối tượng cấu kết với “lâm tặc” chặt phá rừng; lấy đất trồng keo, tràm; nhiều nhà máy thủy điện không có đất hoặc cố tình không trồng rừng thay thế theo quy định của Chính phủ…
Rẫy “gặm” rừng
Cộng đồng người Cor ở vùng cao nguyên, giáp ranh 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi bao đời nay sinh sống bình yên dưới tán rừng già trải dài từ dãy núi Cà Đam sang dãy núi Răng Cưa. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người Cor trở nên đảo lộn trước việc trồng keo, tràm.
Già làng Hồ Ngọc An (ở làng Trà Voòng, xã Trà Thủy, Trà Bồng, Quảng Ngãi) trăn trở: “Đồng bào Cor ở miền núi Trà Bồng xưa nay chỉ biết trồng và chăm sóc quế lấy vỏ, sống thân thiện giữa rừng già. Nhưng nay cây keo phát triển quá mức, không chỉ lấn át rừng quế, mà còn “gặm nhấm” sang rừng đầu nguồn. Phải thừa nhận, cây keo “hái ra tiền”, cải thiện đời sống bà con rất nhanh, nhưng chu kỳ 4-5 năm, trồng - thu hoạch - rồi đốt và trồng lại thì đất đai sao mà không thoái hóa”.
Những ngày cuối tháng 6, tiết trời nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi vượt qua con dốc mà dân bản địa gọi “cổng Trời”, với độ cao tầm 1.500m để đến xã Canh Thuận và Canh Liên (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định). Nơi đây được mệnh danh là thủ phủ cây keo, tràm. Dọc hai bên đường, người dân ồ ạt thu hoạch những vạt keo, tràm tầm 4-5 tuổi, nhựa cây xộc mùi hăng khó chịu.
Chúng tôi gặp ông Đinh Văn Nguyên (68 tuổi, ở xã Canh Thuận) và được ông dẫn đi xem những cánh rừng keo, tràm bị đốt cháy nham nhở sau khi thu hoạch. “Ở đây mỗi người có từ 3-8ha, có người cả chục hécta đất trồng rừng keo. Xưa Canh Thuận còn bạt ngàn rừng tự nhiên, nhưng 10 năm trở lại đây, người ta phát rừng trồng keo hết. Cái giá phải trả bây giờ là cứ vào mùa khô thì trời nóng bức khắc nghiệt, nguồn nước sông, suối cạn kiệt; còn mùa mưa thì nước đổ về cuồn cuộn, gậy ngập lụt vùng hạ lưu”, ông Nguyên lo lắng nói.
Thời điểm này, dọc các trục đường chính ở các huyện Sơn Hà, Bình Sơn, Đức Phổ, Ba Tơ (Quảng Ngãi), cứ chiều về là từng đoàn xe tải ùn ùn nối đuôi nhau vận chuyển keo, tràm về các xưởng chế biến dăm gỗ. Ông Hồ Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng, thừa nhận: “Định hướng của địa phương là phát triển cây quế bản địa làm cây trồng chủ lực, xóa nghèo bền vững. Nhưng trồng keo lãi hơn khiến nhiều người dân đổ xô phá quế để trồng keo”.
Sau vụ cháy hơn 32ha rừng phòng hộ Đông Giang (tại khoảnh 6, 7 tiểu khu 160 thuộc xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam) vào ngày 5-5, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm vụ việc. UBND huyện Đông Giang yêu cầu các xã họp với các thôn trên địa bàn để dừng việc đốt rẫy. Tuy nhiên, theo ông Blinh Trao, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lu thì điều này khó thực hiện, do Đông Giang có hơn 80% dân số có nương rẫy với tổng diện tích khoảng 800ha, tập tục đốt nương làm rẫy của đồng bào Cơ Tu là để có lúa ăn, còn trồng keo là để có tiền tích lũy, mua sắm.
Cơn sốt đất để trồng keo, tràm đã lên đến đỉnh điểm. Không chỉ lấn chiếm, nhiều người còn chặt hạ, đốt trắng rừng phòng hộ đầu nguồn để lấy đất trồng keo. Vụ “tấn công” vào rừng đầu nguồn sông Bồ (thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) mới đây là một ví dụ. Ngoài một số cây gỗ lớn đã tẩu tán, tại hiện trường vẫn còn những cây gỗ lớn đường kính từ 30-80cm bị cưa hạ nằm ngổn ngang.
Xót xa hơn, cánh rừng già kế bên chưa bị đốn hạ nhưng lá bị cháy sém hoặc khô khốc vì các đối tượng chặt phá, đốt rừng gây nên. Người dẫn đường cho chúng tôi xâm nhập vào vùng rừng phòng hộ đầu nguồn, thi thoảng cứ thắc mắc: “Trạm kiểm tra liên ngành bảo vệ rừng thị xã Hương Trà chỉ cách khoảng 2km. Tại sao việc phá rừng diễn ra trong nhiều ngày, tiếng máy cưa rền vang, khói lửa từ việc đốt rừng nghi ngút như thế mà lại không hề hay biết?”.
Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà xác nhận, vụ việc được phát hiện vào tháng 4-2020. Đây là vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng trên vùng thượng nguồn sông Bồ. Kẻ xấu lợi dụng thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, mang theo máy móc lên cưa cây, đốt rừng nhằm mục đích lấy đất trồng keo.
“Khu rừng bị chặt phá và đốt hạ rộng tầm 2ha. Đây là rừng phòng hộ sông Bồ được giao khoán cho người dân bảo vệ và được hưởng phí dịch vụ môi trường rừng”, ông Phước cho biết. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đầu năm đến nay đã xảy ra khoảng 20 vụ tác động xâm lấn vào rừng tự nhiên, chủ yếu tập trung tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Mục đích chính của các đối tượng là lấy đất trồng keo và làm nương rẫy.
Cơn lốc “tấn công” rừng phòng hộ cũng đang diễn ra ở các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân của tỉnh Bình Định. Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh thừa nhận, người dân không lấn chiếm với quy mô lớn mà họ xâm canh theo kiểu lấn từng mét bằng cách “hạ độc” như đục, chích thuốc hoặc bỏ dầu nhớt làm cây chết dần để lấn đất trồng keo. Kiểu xâm lấn này diễn ra dai dẳng nhưng khó xử lý.
Thủy điện “nuốt” rừng
Ngược lên huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định), nơi có rừng đầu nguồn sông Kôn được quy hoạch đầu tư đến 11 dự án thủy điện. Dòng dự án thủy điện đổ bộ quá mức, chặn dòng đầu nguồn nên cứ qua mỗi mùa khô hàng năm, dòng sông Kôn đều trơ cạn, phơi đáy. Một thực tế đang diễn ra là cứ một công trình thủy điện mọc lên thì sẽ làm mất đi hàng trăm hécta rừng nguyên sinh và gián tiếp đe dọa diện tích rừng giàu còn lại.
Ví dụ dự án Nhà máy Thủy điện Trà Xom làm mất đi 633,7ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và đất rừng của 2 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh); Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận nằm trên sông Kôn làm mất đi 90ha rừng đầu nguồn ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định); các nhà máy thủy điện khác cũng “nuốt” hàng trăm hécta rừng…
Gặp chúng tôi, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh trần tình, trong 11 dự án được quy hoạch tại khu vực rừng đầu nguồn sông Kôn, hiện có 5 dự án đang hoạt động, 2 dự án thủy điện Vĩnh Sơn 4 và Vĩnh Sơn 3 đang đầu tư dang dở, còn lại thì “án binh”. Riêng dự án thủy điện Vĩnh Sơn 3 đã mở đường lớn cả chục cây số xuyên vào rừng tự nhiên, làm mặt bằng nhưng bỏ hoang vì vướng quy định mới, diện tích rừng bị ảnh hưởng quá lớn cần chờ ý kiến của Quốc hội.
“Không chỉ làm mất nhiều diện tích rừng tự nhiên mà để đầu tư một công trình thủy điện, các đơn vị bắt buộc phải mở đường lớn vào rừng tự nhiên, tạo cơ hội để lâm tặc lợi dụng tiếp cận phá gỗ rừng…”, ông Quang nói.
Tương tự, dự án đường quốc phòng, kinh tế Nam Đông - A Lưới, còn gọi là tỉnh lộ 74 (Thừa Thiên - Huế) dài 34km, do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư, với tổng số vốn hơn 535 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình khởi công năm 2011, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, song quá trình thi công dự án do gặp nhiều khó khăn vì điều kiện địa hình, thời tiết nên phải tạm dừng.
Một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế thừa nhận, tỉnh lộ 74 chạy qua nhiều cánh rừng phòng hộ bị dừng thi công, không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn tạo điều kiện cho lâm tặc hoạt động và có hiện tượng xâm phạm vào Khu bảo tồn Sao La. Ngoài ra, tình trạng sạt lở khu vực thi công tỉnh lộ 74 (ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông) cũng làm mất 11,26ha diện tích rừng gỗ tự nhiên.
Theo các nhà khoa học, keo, tràm là loại cây rễ nhiều, bám sâu vào đất và có tốc độ sinh khối nhanh với chu kỳ trồng, khai thác 4-6 năm. Trong khi ở miền Trung, việc trồng các loại cây này đều theo phương thức quảng canh, khai thác nguồn có sẵn trong tự nhiên, ít đầu tư chăm bón, cải tạo nên dinh dưỡng trong đất nghèo kiệt là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, lá tràm chứa chất dầu, khi rụng sẽ thẩm thấu, gây hiện tượng xơ hóa đất, bạc màu. |