Chưa khai phá hết tiềm năng, lợi thế
Hội nghị thu hút gần 700 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, đối tác quốc tế, nhà đầu tư... tham gia. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để đưa vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ trở thành vùng năng động, phát triển nhanh và bền vững, các tỉnh miền Trung cần lưu ý đến việc chuyển trạng thái từ phòng chống sang thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong quy hoạch, đầu tư dự án, phát triển đô thị biển cũng nên gắn với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu… Ngay từ bây giờ, các tỉnh miền Trung cần triển khai quy hoạch phát triển các trung tâm điện gió, hydrogen xanh để tận dụng hỗ trợ 15,5 tỷ USD theo cam kết của các đối tác.
Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, lợi thế tương đồng giữa các tỉnh thành trong vùng đang khiến các khu kinh tế thu hút ngành nghề trùng lặp, liên kết lỏng lẻo, cạnh tranh triệt tiêu nhau. Vì vậy, Chính phủ cần sớm hoàn thành quy hoạch vùng, phân rõ các tiểu vùng để có sự phát triển phù hợp. Trong khi đó, theo TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, yếu tố quan trọng nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo của địa phương; các bộ ngành Trung ương tập trung xây dựng quy hoạch, ban hành quy định minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Nhìn lại quy mô phát triển các tỉnh thành miền Trung, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở, vì sao 14 tỉnh thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có tiềm năng, lợi thế rất lớn về con người, thiên nhiên, cảnh quan biển, bề dày di sản văn hóa lịch sử; là nơi được ví “mặt tiền” biển của cả nước nhưng đến nay tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai phá để phát triển. Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc: cơ chế chính sách của vùng còn hạn hẹp, vướng mắc; kết nối cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm giữa các địa phương còn rời rạc, kết nối với các vùng trong cả nước vẫn chưa chặt chẽ, đầy đủ; nguồn nhân lực chưa được phát huy mạnh mẽ. Thủ tướng mong muốn, các địa phương cần tiếp tục bám sát thực tiễn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo để tận dụng mọi thời cơ, tài nguyên vươn lên, không nên trông chờ, ỷ lại… Thủ tướng lưu ý, cần xem đầu tư phát triển, sử dụng ngân sách là “chìa khóa” để mở các không gian phát triển mới, cơ hội mới. Tuy nhiên, đầu tư phải rõ nét, tập trung để phát huy hiệu quả tương xứng, tuyệt đối không được dàn trải, lãng phí…
Thủ tướng yêu cầu, trong đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cần huy động, tận dụng phương thức hợp tác công tư, phát huy mô hình lãnh đạo công, quản trị tư. Trong đầu tư phát triển, cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu lại để duy trì, triển khai hiệu quả, linh hoạt hơn cơ chế đầu tư theo hình thức BT, BOT. Thủ tướng tán thành, đánh giá cao ý kiến các chuyên gia về phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tăng cường giám sát kiểm tra, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực.
Thúc đẩy phát triển kinh tế biển
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và 14 tỉnh thành của vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW, chương trình hành động của Chính phủ. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng, xây dựng được cơ chế điều phối vùng. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ đứng ra điều hành, điều phối mỗi vùng. Các tỉnh thành cần tổ chức chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy kinh tế du lịch, phát triển kinh tế rừng; phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Tây Nguyên…
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phối hợp các địa phương, nghiên cứu đề xuất của các chuyên gia về phân chia lại tiểu vùng ở Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ theo hướng phù hợp với lợi thế, đặc thù từng vùng để quy tụ phát triển có điểm nhấn, tránh cạnh tranh, trì hoãn lẫn nhau.
Đánh giá cao sự có mặt của nhiều nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “hợp tác và phát triển” trong thu hút đầu tư. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài với tinh thần “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân”. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp; khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết; không đùn đẩy, né tránh, coi công việc của doanh nghiệp như công việc của mình.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng:
Giai đoạn 2005-2020, có khoảng 246.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương và huy động ngoài ngân sách được chi để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng. Nhờ đó, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác. Quán triệt các quan điểm, mục tiêu của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030, Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ “có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại”, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng. Quyết tâm đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong vùng từ 193km lên 1.390km...
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng:
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định 17 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 156 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 30%; kinh tế số trong GRDP vùng đạt khoảng 30%. Thu ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20-25% cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 47-48%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm; đạt 11 bác sĩ/vạn dân. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 54%.