Bền bỉ bám ruộng đồng
Những ngày miền Nam và TPHCM bùng phát dịch Covid-19, cùng với cả nước, bà con nông dân miền Trung đã nỗ lực gom góp từng chuyến xe chở đầy nông sản gửi đồng bào miền Nam. Đặc biệt có nhiều nông dân đã quyên góp nguyên cả ruộng rau củ của mình gửi ủng hộ người dân vùng dịch. Điển hình có chị Nguyễn Thị Thu (thôn 3, xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ủng hộ 820kg bí đỏ, 350kg bí đao, 70kg tỏi, 115kg chanh, 180kg đu đủ…; hay anh Cao Nguyễn Duy Cường (thôn 6, xã Nghĩa Dũng) đã ủng hộ 200kg bí đao, 200kg đu đủ, 150kg củ sắn gửi vào miền Nam và TPHCM.
Xã Nghĩa Dũng có 90ha trồng rau củ quả ngắn ngày. Mỗi năm, xã cung ứng ra thị trường trên 2.000 tấn rau củ quả… Đang canh tác trên 15 sào đất, lão nông Lê Minh Nông (66 tuổi) kể, ông vừa có đợt ủng hộ trên 2 tấn nông sản cho người dân ở TPHCM. Ông Nông chỉ dành 500-600kg rau củ quả để xuất bán tạo nguồn thu vào vụ mới.
Đang bơm nước từ giếng khoan lên tưới cho ruộng rau củ sản xuất theo mô hình VietGAP, lão nông Võ Văn Tín (64 tuổi, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) tâm sự: “Chưa có năm nào chúng tôi canh tác trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như năm nay. Tâm lý của bà con khá thấp thỏm lo đầu ra, giá cả. Tuy nhiên, bà con cũng nhận thức được cả nước đang rất khó khăn, nên lúc này nông dân chúng tôi cần bền gan bám ruộng đồng, canh tác để tiếp sức cho cả tỉnh và các tỉnh phía Nam chống dịch”.
Kịp thời gỡ khó cho nông dân
Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), cho biết, đơn vị có 255 hộ dân đang canh tác 13,5ha đất sản xuất rau củ quả theo mô hình VietGAP. “Trong điều kiện dịch Covid-19 nên các thương lái thu mua rất chậm, gần 70% sản phẩm bà con bị ùn ứ. Rất may, các siêu thị đang tăng sức mua từ 400-500kg/ngày, giá cả ổn định nên phần nào giảm bớt khó khăn cho bà con”, ông Thăng thông tin. Ông Thăng cũng kiến nghị: “Hiện chi phí test Covid-19 cho các tài xế, tài công của HTX rất lớn. Vì vậy, đơn vị mong muốn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ chi phí này, giảm áp lực cho HTX để có điều kiện vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ cho nông dân, cũng như vận chuyển hàng hóa để hỗ trợ người dân các vùng đang bị phong tỏa”.
Dù đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, song gần 6.700ha lúa hè thu của người dân thị xã An Nhơn (Bình Định) đã chín rộ, phải thu hoạch. Để hỗ trợ người dân, chính quyền thị xã chỉ đạo các HTX nông nghiệp phối hợp các trưởng thôn, hợp đồng với các chủ máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa cho bà con. Địa phương yêu cầu các chủ máy gặt, tài công, thợ máy cần có xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính trong thời hạn 3 ngày. Chính quyền sẽ bố trí nơi ăn, chỗ ở cho các tài công, thợ máy, chủ máy gặt trong thời gian làm việc ở vùng dịch.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Đào Văn Hùng cho biết, Bình Định vẫn ưu tiên duy trì bảo vệ cho các tuyến vận tải hàng hóa, nông sản trên quốc lộ 1A để các chuyến hàng hóa, nông sản cung ứng cho các vùng dịch phía Nam được thuận lợi. Đối với người dân trong tỉnh, ngành nông nghiệp Bình Định vận động các doanh nghiệp linh động đặt hàng cung ứng đủ cho thị trường nội tỉnh, các siêu thị, khu cách ly…để bà con yên tâm phòng chống dịch.
Trong khi đó, Phú Yên đang yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu mở các tuyến vận tải để đưa hàng hóa, nông sản, thủy sản… của người dân tỉnh này cung ứng cho các thị trường phía Nam, trong đó có các vùng dịch TPHCM, Bình Dương.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Vinh cho biết, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã giải ngân 11 dự án với hơn 5,2 tỷ đồng cho hàng trăm nông dân thực hiện các dự án trồng hành, tỏi, chăn nuôi gia súc gia cầm… Trong khi đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân Bình Định đã tạo điều kiện, duy trì cho vay 447 dự án phát triển nông nghiệp (1.269 hộ nông dân) với tổng vốn gần 62 tỷ đồng. Từ những nguồn vốn vay này, các địa phương mong muốn tiếp sức nông dân tiếp tục duy trì sản xuất, góp phần phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân tỉnh. |