Cháy rừng liên tiếp
Chưa đầy nửa tháng nay, các tỉnh khu vực Bắc miền Trung liên tiếp xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Với các đám cháy lớn kéo dài nhiều ngày ở Nghệ An, Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã huy động hàng chục ngàn lượt người tham gia chữa cháy. Công tác chữa cháy đang gặp muôn vàn khó khăn do cháy xảy ra ở vị trí đồi dốc, khó tiếp cận, các cơ quan chức năng không thể đưa nước lên hiện trường.
Ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh sơ lược, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7-2020, trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng tại các xã Sơn Long, Sơn Trà, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh (huyện Hương Sơn); xã Lộc Yên (huyện Hương Khê)… Nghiêm trọng nhất, vụ cháy trên 30ha rừng ở dãy núi Mồng Gà, thuộc xã Ân Phú (huyện Vũ Quang); xã Sơn Long và xã Sơn Trà (huyện Hương Sơn) diễn ra 2 ngày 2 đêm mà 1.000 lượt người tham gia mới dập tắt được đám cháy.
“Nắng nóng đang rất khốc liệt, nhiệt độ vào buổi trưa và đầu chiều tăng kịch kim, khiến nguy cơ cháy rừng luôn chực chờ. Hà Tĩnh đang có đến 120.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu rừng cây thuần loài như thông, thông keo, bạch đàn, phi lao hỗn giao…”, ông Huấn lo lắng.
Bên cạnh đó, hầu hết các vụ cháy rừng xảy ra vào thời điểm nắng nóng kéo dài, gió thổi mạnh, địa hình phức tạp nên ngay cả khi phát hiện kịp thời thì công tác chữa cháy vẫn bị động. Hệ thống đường băng cản lửa quá ít và hẹp so với yêu cầu thực tế, nhất là lại được xây dựng từ nhiều năm trước, nay thực bì phủ kín, không còn khả năng cản lửa cháy lan.
Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) cho biết, khoảng 4.000/18.000ha rừng của địa phương do người dân quản lý. Do thiếu kinh phí nên dụng cụ, trang thiết bị chữa cháy rừng chuyên dụng hầu như không có. Các dụng cụ, phương tiện hiện có hầu như không đảm bảo cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
“Kiểm lâm địa bàn báo cáo không có kinh phí mua sắm dụng cụ trang thiết bị, đề nghị hạt cho mượn. Nhưng cho một xã mượn thì được chứ 10 xã, đơn vị lấy đâu ra…”, ông Phước nêu khó.
Lực lượng chữa cháy rừng đông nhưng lúng túng
Trở vào khu vực duyên hải Nam Trung bộ, tình hình khô hạn vẫn tiếp diễn. Bước vào mùa khô năm nay, trên các nẻo rừng phía Tây luôn đặt trong tình trạng chờ phựt lửa với mức độ cảnh báo rừng cấp IV và cấp V (mức độ rất cao). Đi dọc những địa phương có diện tích rừng lớn ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, khắp nơi lực lượng chức năng phải lập nhiều chòi canh lửa, trạm chốt hoạt động 24/24 giờ.
Ông Võ Văn Trình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, địa bàn hiện có 18.000ha rừng, trong đó có 15.000ha rừng trồng. Mùa khô năm nay khốc liệt hơn năm 2019, hiện có 8/14 xã, phường ở Đức Phổ có nguy cơ cháy rừng cao, rừng dễ phát lửa là rừng keo tràm, bạch đàn... Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xảy ra 5 vụ cháy, thiệt hại 8,4ha rừng, mỗi vụ phải huy động trên 50 người chữa cháy…
Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), thời tiết năm nay nắng liên tục nên các khu rừng nở nhiều hoa và được mùa mật ong. Việc này khiến những đoàn người xâm nhập vào rừng nhiều hơn để kiếm mật, quá trình lấy mật người dân thường đốt lửa xua đuổi đàn ong, khiến cho nguy cơ cháy rừng rất cao.
“Rừng Vĩnh Thạnh đã có chủ và được giao khoán cho người dân bảo vệ hưởng lợi dưới tán rừng. Chúng tôi kiên quyết đẩy đuổi những người ở ngoài địa phương, nhất là ở phía Gia Lai xâm nhập vào rừng mà không có lý do chính đáng, phải làm quyết liệt...”, ông Quang khẳng định.
Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, rút kinh nghiệm từ những vụ cháy rừng năm 2019 và để giảm thiểu các vụ cháy rừng trong thời gian tới, Hà Tĩnh đang kiểm tra, xác định các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ cao dễ cháy để lên các phương án chữa cháy kịp thời và hiệu quả, trong đó có sơ đồ, các giả định, lực lượng…
Đồng thời, tổ chức lực lượng trực canh gác ở các chòi cao để kịp thời phát hiện sớm các vụ cháy rừng và dập lửa; sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị flycam phục vụ việc kiểm tra, nắm bắt địa bàn và các vùng có nguy cơ cháy. Khi xảy ra cháy, đoàn liên ngành sẽ vừa chữa cháy vừa điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân, đối tượng đốt rừng…
Trước tình trạng nhiều nơi để xảy ra cháy rừng, thời tiết vẫn còn nhiều đợt nắng nóng kéo dài, chiều 10-7, Bộ NN-PTNT đã có công văn báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình triển khai công tác phòng cháy và chữa cháy rừng hiện nay.
Sau khi thành lập 2 đoàn kiểm tra thực tế rừng tại 9 tỉnh và thành phố ở miền Trung (từ Nghệ An đến Phú Yên), Bộ NN-PTNT báo cáo, hạn chế hiện nay ở các địa phương này là lực lượng đông nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa nhận định sát tình hình diễn biến của đám cháy nên công tác chỉ huy chữa cháy còn lúng túng. Việc kiểm soát nguồn lửa chưa thực hiện tốt, các địa phương chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, canh gác, ngăn chặn nguồn lửa có nguy cơ gây cháy rừng.
Mặc dù hiện một vài nơi có mưa nhưng theo dự báo những tháng còn lại của năm 2020, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, trong tháng 7 và 8 có thể xảy ra 4-5 đợt nắng nóng, nguy cơ cháy rừng tại miền Bắc và miền Trung vẫn còn rất cao. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương điều chỉnh lại phương án phòng cháy và chữa cháy rừng; củng cố các công trình phòng cháy chữa cháy rừng, rà soát lại trang thiết bị, phương tiện, đảm bảo hoạt động tốt nhất khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
Nghệ An lại xảy ra cháy rừng Khoảng 12 giờ 30 ngày 10-7, tại khu vực rừng thông và bạch đàn thuộc xóm 4 (xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) xảy ra vụ cháy rừng. Đám cháy xuất phát từ chân đồi sát khu dân cư xóm 4, sau đó cháy lan lên phía đỉnh đồi. Tỉnh Nghệ An và huyện Diễn Châu đã huy động hàng trăm người gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ, người dân tham gia dập lửa. Đến chiều cùng ngày, đám cháy vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Trước đó, từ 26 đến 29-6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng thông, keo, bạch đàn... tại địa bàn xã Sơn Thành (huyện Yên Thành), Nghi Văn (huyện Nghi Lộc); Diễn Phú, Diễn Lợi, Diễn An (huyện Diễn Châu). Theo thống kê sơ bộ bước đầu, có khoảng hơn 50ha rừng bị thiệt hại, 200 hộ dân phải sơ tán đề phòng nguy hiểm. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý theo quy định của pháp luật; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, không ứng cứu kịp thời để gây thiệt hại lớn. DUY CƯỜNG |