Sau đợt mưa lớn kéo dài, ngày 13-10, trên quả núi tại khu Mướp (thị trấn Hồi Xuân), cạnh quốc lộ 15A đoạn Km 40+288 bắt đầu xuất hiện các vết nứt trên núi. Theo ghi nhận, các vết nứt ngày càng kéo dài và lan ra nhiều nơi, một số điểm bắt đầu xảy ra sạt lở.
Trước tình hình này, huyện Quan Hóa đã phải di dời khẩn cấp 14 hộ dân sống dưới chân núi, đồng thời phối hợp Sở GTVT Thanh Hóa tổ chức chốt canh hai đầu đoạn đường dưới chân núi để cảnh báo, hướng dẫn người và phương tiện qua lại.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, mưa bão lũ vừa qua đã gây sạt lở đoạn thân đê đầm Bàu Nú (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ). Những vết đất đá trượt xuống đầm Bàu Nú, phần đê còn lại khoảng 150m xuất hiện nhiều vết nứt. Những vết nứt rất lớn, kéo dài gần 2/3 chiều ngang đê, nguy cơ phá vỡ đê khi diễn biến mưa bão lũ còn phức tạp. Đê ngăn mặn đầm Bàu Nú được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1999. Đến năm 2020, do tác động mưa bão lũ nên đê đã bị phá vỡ hoàn toàn với chiều dài 60m, gây nhiễm mặn 65ha đất nông nghiệp của người dân xã Phổ Châu.
UBND thị xã Đức Phổ đã hỗ trợ kinh phí cho UBND xã Phổ Châu gia cố tạm thời bằng đổ đất đá, tạo đê ngăn xâm nhập mặn. Tuy nhiên, do tác động mưa bão lũ tháng 9, tháng 10 vừa qua đã gây sạt lở, nứt đê rất lớn. Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho biết, địa phương có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp, với mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ đồng.