Dù không bị ngập nhiều như những nơi khác nhưng cơn mưa đêm kéo dài từ tối 8-12 đến sáng 9-12 làm một số khu vực tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đang trong tình trạng ngập nước mưa trên diện rộng.
Tại TP Hội An đoạn ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Lợi, Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng, đặc biệt, đoạn trước khách sạn công đoàn trên đường Trần Hưng Đạo bị ngập khá nặng. Nhiều xe đã phải quay lui tìm đường khác hoặc dắt bộ vì chết máy.
Nhiều ô tô cũng không thể di chuyển vì mực nước đang lên dần. Nhiều hộ dân thấp thỏm, lo dọn đồ đạc trong nhà vì sợ mưa sẽ kéo dài, ngập sâu.
Một số hình ảnh do PV SGGP Online ghi nhận tại TP Hội An:
Đoạn ngã tư Hai Bà Trưng - Trần Hưng Đạo, TP Hội An
Trước khách sạn Công Đoàn, TP Hội An
Hầu hết các tuyến phố tại Hội An đang bắt đầu ngập trên diện rộng
Nhiều xe máy không thể đi được
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, trưa ngày 9-12, trước diễn biến không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trong đới gió tây trên cao và mưa kéo dài đã khiến một số khu vực tỉnh Quảng Ngãi ngập cục bộ, 3 nhà dân bị ảnh hưởng sạt lở đất phải di dời và nhiều đường giao thông sạt lở.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trong đới gió tây trên cao nên khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được một số nơi như sau: Ba Tơ 318.0mm, Minh Long 282.0mm; Sơn Giang 234.0mm.
Tại một số khu vực đã ngập cục bộ như huyện Nghĩa Hành gồm các xã Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Đức và thị trấn Chợ Chùa. Nước lũ đã ảnh hưởng đến một số khu vực dân cư trũng, thấp, mức ngập trung bình từ 10 - 30cm.
Tại huyện Minh Long đã có 3 nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất và được di dời đến nơi an toàn. Các tuyến đường giao thông bị sạt lở gồm: tuyến đường 628 (Thanh An - Long Môn), tuyến Long Mai - Long Hiệp - Thanh An, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Cầu tràn nối xã Sơn Giang với xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà đã ngập vào sáng 9-12
Một số khu vực gần đoạn cầu tràn, người dân không thể qua sông
Hiện tại, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đều đang mở cửa tích nước. Theo đó, tính đến 8 giờ 15 phút ngày 9-12, có 10/19 hồ đạt 80% dung tích trở lên (Vực Thành, Hóc Sầm, Sở Hầu, Diên Trường, Núi Ngang, Suối Loa, Hóc Xoài, Cây Quen, Cây Sanh, Di Lăng).
Hồ chứa Núi Ngang đã mở 1 cửa giữa 1,6m lúc 8 giờ 15 phút ngày 9-12, Qxả = 91,3m3/s; Hồ chứa nước Diên Trường đã mở tràn 10cm lúc 7 giờ cùng ngày; Hồ chứa nước Nước Trong đạt cao trình mực nước hồ lúc 6 giờ là: 112,03m (MNDBT: 129,5m), lưu lượng về hồ trung bình là 72,71 m3/s, dung tích hồ khoảng 123,63 triệu m3, đạt 42,7% dung tích). Tại Hồ thủy điện Đakđrinh, lúc 9 giờ ngày 9-12, mực nước hồ ở cao trình 389,06 (MNDBT: 410m), lưu lượng về hồ là 14 m3/s.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó mưa, lũ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và nhân dân nhất là vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng trong khu vực có thể xảy ra nguy hiểm để chủ động các biện pháp phòng tránh theo phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt.
Đặc biệt lưu ý đối với các địa bàn thuộc lưu vực sông Vệ, sông Phước Giang, sông Trà Câu và khu vực miền núi (các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa).
Bên cạnh đó cần tăng cường tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn; bố trí lực lượng canh gác tại những vị trí ngầm, tràn giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc và tuyệt đối không để người dân ra sông vớt củi.
Chủ các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện chủ động kiểm tra tình hình mực nước trong hồ, chủ động vận hành tích nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019, đồng thời đảm bảo an toàn cho đập và hạ du.
Chủ đầu tư các các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên sông, suối chủ động tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động và thu dọn các vật cản trên sông, suối để đảm bảo thoát lũ.