Lũ lớn bủa vây
Suốt đêm 14 đến cả ngày 15-11, tại các địa phương vùng thấp trũng của các huyện Quảng Điền, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhiều nhà phải đóng bè, dùng ghe thuyền di chuyển đồ đạc, vật dụng lên cao tránh lũ. Ở TP Huế, nhiều tuyến đường chính như Bến Nghé, Đống Đa, Nguyễn Huệ… ngập sâu gần cả mét do lũ sông Hương vượt báo động 3. Hàng trăm sinh viên thuê trọ ở những nơi thấp trũng phải để xe máy cùng sách vở và nhiều vật dụng khác trong phòng ngập nước mà chạy thoát thân.
Chiến sĩ Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) kéo thuyền di chuyển sản phụ vượt lũ đi sinh. Ảnh: VĂN THẮNG |
Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 16.345 ngôi nhà bị ngập từ 0,3-0,6m, có nhà bị ngập trên 1m, các địa phương tiến hành di dời khẩn cấp 8.800 người dân vùng thấp trũng đến nơi tránh trú an toàn. Quốc lộ 1A, quốc lộ 49B và các tuyến tỉnh lộ 4, 6, 8C, 9, 11B... nhiều đoạn bị ngập sâu 1m, giao thông ách tắc.
Tuyến đường sắt qua Thừa Thiên Huế có nhiều đoạn bị ngập nặng khiến nhiều đoàn tàu bị kẹt, phải nằm chờ tại các ga lân cận. Đến tối 15-11, đoàn tàu SE3 vẫn nằm tại ga Hiền Sỹ, trên tàu có 324 hành khách; tàu SE19 nằm tại ga Quảng Trị, trên tàu có 272 hành khách; tàu SE1 nằm tại ga Đông Hà, trên tàu có 198 hành khách; tàu SE6 nằm tại ga Đà Nẵng, trên tàu có 247 hành khách…
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định cho tất cả học sinh nghỉ học đến ngày 17-11.
Chiều 15-11, đại diện UBND phường Hương Vinh, TP Huế thông tin đã tìm thấy thi thể chị H.T.B. (sinh năm 1983, trú tại phường Hương Vinh). Đồng thời, lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm con gái chị B. là cháu N.T.H. (sinh năm 2005) bị mất tích. Vào sáng cùng ngày, 8 người dân từ phường Hương Sơ, TP Huế đi trên cùng một chiếc thuyền đến chợ Phú Hậu (Huế).
Sau khi mua sắm tại đây, 8 người tiếp tục đi thuyền trở về nhà. Khi di chuyển qua khu vực Đập Hậu (thuộc phường Hương Vinh), gặp nước lũ chảy xiết khiến thuyền bị lật. Lực lượng chức năng và người dân đã cứu được 6 người.
Du khách di chuyển trên đường phố TP Huế bằng đò. Ảnh: VĂN THẮNG |
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Đặng Văn Hòa cho biết, thời điểm lũ dâng cao và mưa lớn, lực lượng vũ trang các địa phương kịp thời đưa 10 phụ nữ đang chuyển dạ và 5 người bệnh đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Khẩn trương khắc phục, sớm ổn định cuộc sống
Trong khi đó, tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, lũ đã rút nhưng để lại thiệt hại nặng nề do sạt lở. Ngay sau khi lũ rút, chính quyền địa phương cùng người dân và các ngành chức năng khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống.
Đến chiều 15-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã bớt mưa, lũ trên các sông cũng đã đạt đỉnh nên người dân cùng lực lượng chức năng tiến hành khắc phục hậu quả. Tại khu vực trũng thấp của huyện Đại Lộc, Phước Sơn, trong đêm 14-11 lũ dâng cao khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu từ 0,3-0,5m, người dân tất bật dọn đồ chạy lũ. Rất may, đến rạng sáng 15-11 lũ rút nhanh. Ngay khi lũ rút, người dân cùng chính quyền địa phương triển khai ngay việc tổng vệ sinh môi trường, xử lý các giếng nước bị ngập nhằm phòng tránh những dịch bệnh phát sinh.
Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, tại các tuyến đường liên huyện, liên xã ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam như huyện Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My xuất hiện sạt lở nhỏ vào những ngày trước. Ngay khi ngớt mưa, chính quyền đã huy động phương tiện đến san gạt đất đá, khắc phục, đến nay hầu hết các tuyến đường đã được thông xe.
Theo ngành chức năng Quảng Ngãi, trong đợt mưa lũ mấy ngày qua có 70 vị trí sạt lở tại các quốc lộ 24, 24B, 24C và các tuyến tỉnh lộ với khối lượng hơn 7.000m3. Hiện Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đang huy động tối đa lực lượng, thiết bị để khẩn trương khắc phục nhằm sớm thông tuyến, đảm bảo việc đi lại an toàn cho người dân.
Dự kiến việc khắc phục xong các điểm sạt lở phải mất 3-4 ngày. Bên cạnh đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo 7 hạt giao thông tỉnh cắt cử lực lượng, chốt trực tại các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Viết Chiến, Hạt trưởng Hạt Quản lý giao thông đường bộ Phố Châu (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thông tin, đơn vị đã huy động nhân lực, phương tiện tập trung dọn dẹp, khắc phục xong hàng chục mét khối đất đá trên vách núi Nầm sạt lở xuống tuyến quốc lộ 8A, tại Km29+30 (đoạn qua địa xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn). Hiện các phương tiện qua lại khu vực đảm bảo thông suốt, an toàn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, dưới tác động của đợt không khí lạnh mới có đặc tính khô, từ ngày 17-11, vùng mưa ở miền Trung sẽ giảm cường độ, sau đó tan dần; miền Bắc sẽ nằm sâu trong tâm của khối không khí lạnh, trời rét đậm (vùng núi cao sẽ có nhiệt độ dưới 10oC).
Tình trạng mưa gió ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế còn tiếp diễn đến đêm 16-11 hoặc sáng 17-11 (lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 500mm); khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có mưa 150-250mm, có nơi trên 400mm; từ Bình Định đến Ninh Thuận có mưa 100-200mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 17-11, cơ bản tình trạng mưa lớn sẽ giảm dần ở Trung bộ, một số nơi có nắng trở lại.