Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho xã hội và kinh tế thì việc ngư dân trúng mùa đã phần nào làm cho bức tranh kinh tế - xã hội bớt phần u ám.
“Lộc biển” gần bờ
Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, bà con ngư dân các xã ven biển huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) đã và đang đánh bắt được nhiều ruốc biển, cá cơm, cá trích và sứa biển. Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, cho biết, riêng cảng cá Cửa Sót đã có gần 1.500 lượt tàu thuyền các loại đăng ký ra vào, với sản lượng đánh bắt thủy hải sản cập bến cảng đạt hơn 1.300 tấn từ đầu năm 2020 đến nay. Ngoài những khoang thuyền đầy ắp cá cơm (nguyên liệu phục vụ sản xuất nước mắm truyền thống), bà con ngư dân còn trúng đậm cá trích, giá 15.000-20.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, ngư dân đánh bắt gần bờ và trung bờ có thu nhập từ 800.000-1.000.000 đồng/ngày/người. Còn những người phân loại, gỡ cá và vận chuyển khi mỗi tàu thuyền cập bến cũng có thu nhập khoảng 300.000 đồng/người/ngày. Đây là tín hiệu vui, giúp bà con không có điều kiện đầu tư tàu lớn vươn khơi xa tiếp tục gìn giữ nghiệp sống bao đời của người dân xứ biển.
Tại bờ biển xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), ngư dân dùng thuyền nhỏ vươn khơi khoảng 4 giờ đồng hồ, khi cập bến đã đầy ắp sứa biển. Trung bình một ngày mỗi thuyền có thể đánh được 1-2 tạ sứa, ngư dân có thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Ông Trần Văn Thanh, một ngư dân ở đây, phấn khởi nói, mùa sứa thường bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ngư cụ bắt sứa chỉ cần tấm lưới dài khoảng 300m cùng cây vợt. Sứa năm nay vừa được mùa vừa được giá nên bà con rất phấn khởi. Ngoài ra, ngư dân vùng biển Tam Thanh còn trúng đậm cá hố, cá nục, mực nan... Hiện Tam Thanh có khoảng 150 phương tiện đánh bắt gần bờ với công suất từ 8-15CV. Sản lượng đánh bắt hải sản toàn xã đạt khoảng 400 tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Tiếp sức ngư dân vươn khơi xa
Giá xăng dầu tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây đã tạo nhiều thuận lợi cho bà con ngư dân giảm chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi. Ông Nguyễn Hà (ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, nghề làm biển phụ thuộc nhiều yếu tố nên ngư dân luôn trong tình trạng lo lắng trước những chuyến vươn khơi dài ngày. Trong đó, chi phí xăng dầu luôn là nỗi ám ảnh của các chủ tàu xa bờ. Còn ngư dân Ngô Lớn (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, chủ tàu cá QNa-91135) nhẩm tính, giá xăng dầu giảm đã giúp ông giảm bớt chi phí từ 10-30 triệu đồng/mỗi chuyến đi biển từ 10-20 ngày. Đó cũng là niềm vui chung, giúp hàng vạn ngư dân miền Trung vươn khơi bám biển để làm giàu cho gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Cùng với việc nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc những quy định để EC rút lại “thẻ vàng”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản khai thác của nước ta vào châu Âu và một số thị trường khác đang gặp khó khăn, ngành thủy sản các tỉnh, thành miền Trung còn triển khai nhiều chính sách để ngư dân vượt khó vươn khơi xa.
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 300 chiếc tàu đánh cá hoạt động ở các vùng biển xa, cách đảo Hoàng Sa, Trường Sa 20-30 hải lý được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu, tạo động lực để ngư dân bám biển. Tỉnh Quảng Nam khuyến khích ngư dân chú trọng sản xuất với nghề lưới vây, lưới chụp, lưới kéo để đánh bắt cá thu, cá chim, cá cu, cá nục... Đây là những loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời hỗ trợ ngư dân phương pháp bảo quản hải sản sau khi khai thác được và đầu tư sơ chế sản phẩm trên biển để nâng cao giá trị sau mỗi chuyến biển. Sở NN-PTNT Quảng Nam đang hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tiếp cận, vận dụng hiệu quả qua các lớp đào tạo nghề, chuyển nghề, để ngư dân vận dụng vào thực tế.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị, năm 2020, địa phương sẽ hỗ trợ gần 13 tỷ đồng cho bà con ngư dân theo Nghị định 67/NĐ-CP, bao gồm: hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm rủi ro; duy tu, sửa chữa 20 tàu cá công suất lớn… Đồng thời dành 2,7 tỷ đồng đào tạo kỹ thuật vận hành tàu cá công suất lớn cũng như kỹ thuật khai thác, bảo quản hải sản cho khoảng 500 lượt ngư dân và thuyền viên.