>>> Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng cắt tỉa, dọn dẹp cây ngã đổ sau bão (Video: XUÂN QUỲNH)
Từ tối 27 đến rạng sáng 28-9, tại thành phố Đà Nẵng có nơi mưa to đến rất to, kèm theo gió lớn. Thống kê ban đầu, toàn thành phố bị tốc mái 2 căn nhà, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục 89), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu, chưa xảy ra thiệt hại về người. Về 60 thuyền viên chống bão trên thuyền tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) vẫn chưa có thông tin mới...
Sáng 28-9, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, đây là cơn bão lớn, công tác chuẩn bị tiến hành công phu, kỹ lưỡng. Đáng mừng là đến nay, thiệt hại sau bão không lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ người dân. Cần khẩn trương rà soát các điểm bị thiệt hại, nhà bị tốc mái để hỗ trợ bà con. Các khu vực cây cối đổ, ảnh hưởng giao thông thì các địa phương khẩn trương khắc phục. Rà soát, kiểm tra, tổng hợp đầy đủ thiệt hại sau khi bão tan.
Phó Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, có trường hợp sau bão còn gây ra thiệt hại lớn hơn, ví dụ như thiệt hại do hoàn lưu bão năm 2021. Bảo đảm đi lại thông suốt, an toàn, tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là khi cho học sinh đến trường. Cần tiếp tục theo dõi diễn biến bão để triển khai ứng phó, hiện vẫn chưa được ngừng, nghỉ.
Sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến kiểm tra, thăm tặng quà cho người dân đang tránh, trú bão tại Trường THCS Thuận An (TP Huế).
Sáng cùng ngày, trên nhiều tuyến đường, như QL1A, 49B, đường tránh Huế, tỉnh lộ 18 và một số tuyến đường trên địa bàn TP Huế, do ảnh hưởng bão số 4, nhiều cây xanh ngã đổ, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho người di đường. Cảnh sát giao thông toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp các đơn vị chức năng cưa cây đổ ngã; đồng thời tuần tra tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đi vào tuyến đường nguy hiểm.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã triển khai 100% lực lượng đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Ngay khi bão suy yếu, đơn vị huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phối hợp dọn cây gãy đổ trên một số tuyến đường quan trọng.
Còn theo Thượng tá Hoàng Liên Sơn, Phó trưởng Công an TP Huế, trên địa bàn một số phường, xã ở trung tâm TP Huế, cây xanh đổ gãy khá nhiều. Hiện đơn vị huy động lực lượng phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương cưa, dọn, đến nay, cơ bản đã thông tuyến. Đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả bão số 4.
Song song công tác này, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế trực tiếp chỉ đạo công an các đơn vị tiếp tục bám sát địa bàn cơ sở, nắm tình hình thiệt hại ban đầu, triển khai lực lượng nhanh chóng phối hợp hệ thống chính trị ở cơ sở cứu hộ cứu nạn, từng bước khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 4 gây ra.
>> Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai lực lượng thu dọn cây xanh bị gió bão quật đổ gãy trên các tuyến đường tại Thừa Thiên - Huế
Tỉnh Quảng Nam có 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục). Toàn tỉnh có nhiều nhà tốc mái, cây đổ nhưng chưa thống kê được số lượng cụ thể. Tỉnh Bình Định cũng đang bị mất điện tại một số khu vực. Mực nước một số sông từ Quảng Bình đến Phú Yên đã lên mức báo động 1 đến báo động 2.
Ghi nhận sáng 28-9, tại TP Đà Nẵng, thời tiết vẫn còn mưa nhỏ, gió lớn. Hiện trên các tuyến phố của Đà Nẵng, lực lượng công an, công nhân cây xanh, chính quyền địa phương... đang bắt tay vào thu dọn cây cối ngã đổ, dọp dẹp đường xá để người dân đi lại. Tại các tuyến đường Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ (phường Phước Ninh, quận Hải Châu), lực lượng dân quân thường trực, lực lượng cơ động phường Phước Ninh đã huy động hơn 20 người tiến hành thu dọn cây cối ngã đổ trên các tuyến đường.