Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và ông Dương Tất Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Hà Tĩnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện các ban ngành cấp bộ liên quan và Ban chỉ đạo 389 trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong 10 tháng năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung nói trên diễn biến phức tạp. Tại từng thời điểm ở một số địa bàn trọng điểm, nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép gỗ, các sản phẩm từ gỗ; kinh doanh các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh; buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; buôn lậu, vận chuyển trái phép than, khoáng sản; buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá, xì gà, rượu, bia, đường cát, hàng điện tử, hàng gia dụng, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bẩn...
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng địa hình rừng núi, đường mòn, sông suối và mối quan hệ thân tộc của cư dân hai bên biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, chuyển cảng qua lãnh thổ Việt Nam đi các nước có chung đường biên giới sau đó vận chuyển thẩm lậu hàng hóa qua biên giới trở lại Việt Nam.
Trên biển, diễn ra hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa như xăng dầu, than, quặng, khoáng sản, thuốc lá, rượu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, hàng điện tử, hàng gia dụng... qua các cửa khẩu, cảng biển và vùng biển các tỉnh, thành phố miền Trung.
Tại các địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng các tuyến quốc lộ, đường sắt, cảng hàng không trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố miền Trung để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; lợi dụng hạn chế hiểu biết của nhân dân để sản xuất, quảng cáo, buôn bán xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và các loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu không rõ nguồn gốc hoặc gia công, pha trộn, nhái, dán bao bì, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng… đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 149.597 vụ việc vi phạm (giảm 18% so với cùng kỳ 2018), thu nộp ngân sách Nhà nước đạt 12.390 tỷ 457 triệu đồng (giảm 11% so với cùng kỳ 2018), khởi tố 1.635 vụ (tăng gần 40% so với cùng kỳ 2018), 1.908 đối tượng (tăng 44% so với cùng kỳ 2018).
Trong đó, 9 tỉnh, thành phố miền Trung đã phát hiện 33.816 vụ vi phạm, 29.684 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 2.180 tỷ đồng. Cụ thể: Buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, đường cát, xì gà, thuốc lá điếu, đường cát nhập lậu...) 8.729 vụ; gian lận thương mại 24.680 vụ; hàng giả 407 vụ. Các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 31.368 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt, xử lý hình sự 1.429 vụ, 1.833 đối tượng, trị giá tang vật tịch thu chưa thanh lý ước tính 800 triệu đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá khái quát thực trạng tình hình, tính chất từng địa bàn, công tác chỉ đạo; kết quả thực hiện công tác phòng, chống trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; những khó khăn, vướng mắc của từng địa phương trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…; những bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị về một số giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới...
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng vi phạm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam… Tiếp tục rà soát, tổng hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa hợp lý, chồng chéo, chưa đồng bộ, thống nhất.
Trong đó, các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; phát động phong trào quần chúng nhân dân, phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...