Miền Trung nắng nóng khủng khiếp

Những ngày này, tại địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ ngoài trời trên dưới 40 độ C. Nắng nóng bắt đầu từ khoảng 7 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày. Ngoài ra, còn phải hứng chịu ảnh hưởng gió Lào khô, nóng rát nên càng khiến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn
Nắng nóng kéo dài khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn

Thời điểm này ở Hà Tĩnh, nông dân đang bước vào cao điểm thu hoạch đậu phộng, vì vậy gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Để kịp lịch sản xuất vụ hè thu, người nông dân vẫn phải gồng mình ra đồng thu hoạch.

Nhằm tránh cái nắng nóng như thiêu đốt ban ngày, nhiều người dân phải chọn thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng để ra đồng, thậm chí nhiều người dân còn đội đèn pin thu hoạch vào ban đêm khi không khí mát mẻ, dễ chịu hơn. 

Miền Trung nắng nóng khủng khiếp ảnh 1 Người dân ra đồng thuê máy gặt lúa vào buổi tối để tránh nắng nóng
Ông Khoa (ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình làm khoảng 7 sào đậu phộng, nay đã đến vụ thu hoạch và để đảm bảo đúng lịch thời vụ sản xuất sắp tới, mặc dù thời tiết đang nắng nóng gay gắt vô cùng khó chịu, nhưng cũng phải cố gắng ra đồng làm việc từ sáng sớm hoặc chiều tối để tránh nắng nóng.

Tại nhiều địa bàn ở tỉnh Hà Tĩnh, người dân đã mang theo ô lớn, phông bạt, xe bò và các vật dụng khác đi ra đồng dựng lều bạt “dã chiến” để vừa hạn chế được nắng nóng vừa làm được công việc đồng áng ngay trên ruộng.

Chiều ngày 20-5, bác sĩ Nguyễn Trọng Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, ông Võ Tá Tân (50 tuổi, trú tại thôn Phú Xuân, xã Thạch Bằng) đã bị tử vong do sốc nhiệt khi đang thu hoạch đậu phộng ở ngoài đồng dưới thời tiết nắng nóng, khi đưa vào bệnh viện cấp cứu thì đã quá muộn. 

Nắng nóng kéo dài cũng khiến nhiều hồ đập, kênh mương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị khô cạn, thiếu nước, đe dọa nguy cơ khô hạn nghiêm trọng trong vụ sản xuất hè thu.

Miền Trung nắng nóng khủng khiếp ảnh 2 Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều hồ đập cạn nước
Hiện nhiều diện tích đất nông nghiệp ở huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Kỳ Anh, Hương Khê, Nghi Xuân… phải bỏ không vì thiếu nước. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị ngành nông nghiệp, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, chủ động thời vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; có giải pháp hạn chế thấp nhất diện tích bỏ hoang; các đơn vị chức năng trên địa bàn cần chủ động điều hành nước, vận hành hệ thống tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên cho nước sinh hoạt và đảm bảo an toàn hồ đập nhưng phải đủ nước tưới cho các diện tích trong kế hoạch.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong thời gian từ cuối tháng 5 tới tháng 7, khu vực Bắc bộ và Trung Bộ có khả năng sẽ còn chịu 6-8 đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-41 độ C. 

Trước sự khắc nghiệt của thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ chế điều hòa thân nhiệt, có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ C. Khi đó bệnh nhân sẽ - có biểu hiện chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, từ đó có thể ảnh hưởng đến chức năng tim phổi và hệ thần kinh.

Tình trạng này còn đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, bệnh phổi mãn tính, tiểu đường, rối loạn mỡ máu… có thể dẫn tới nguy cơ cao bị sốc nhiệt, đột quỵ, thậm chí tử vong. Việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt là rất quan trọng.

Trước tiên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân. Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng.

Trong khi thực hiện hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. 

Miền Trung nắng nóng khủng khiếp ảnh 3 Đẻ bảo vệ sức khỏe trước thời tiết nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu bắt buộc phải đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng
Để bảo vệ sức khỏe trước thời tiết nắng nóng gay gắt, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường khi không thật cần thiết.

Nếu bắt buộc phải đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.

Thời điểm 12 - 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này vì sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

Sau gần 1 tuần xảy ra nắng nóng dữ dội, hiện đợt nắng nóng này đang dịu dần và sẽ kết thúc. Cụ thể, từ ngày 21-5, nắng nóng sẽ kết thúc ở các tỉnh phía Tây Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Còn tại các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, nắng nóng sẽ dịu dần, nhiệt độ cao nhất giảm xuống chỉ còn 37-38 độ C.

Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 20-5, nắng nóng đã lắng xuống ở đồng bằng Bắc bộ, chỉ còn xuất hiện tại Tây Bắc bộ và Trung bộ với nền nhiệt tiếp tục ở mức cao, 39-41 độ C.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục